Chịu sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Việt Nam, gạo Thái Lan rớt giá kỉ lục

Gạo Việt Nam đang cạnh tranh mạnh khiến gạo Thái Lan rớt giá kỉ lục. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo với giá trung bình gần gần 11.000 đồng/kg.

Giữa lúc Covid-19 vẫn hiện diện ở nhiều nước, gạo tiếp tục là mặt hàng hút khách. Bangladesh mới đây cho biết nước này sẽ mua thêm 200.000 tấn thóc để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ.

Giá gạo Thái Lan giảm kỉ lục

Reuters đưa tin, giá xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm kỉ lục trong tuần này, khi đất nước chùa tháp bị hạn hán. Nhưng hơn hết là do gạo nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các ưu đãi rẻ hơn của Ấn Độ và Việt Nam.

Giá gạo 5% tấm chuẩn của Thái Lan được niêm yết ở mức 480-485 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3, và giảm từ mức 515-546 USD/tấn vào tuần trước.

Gạo Việt Nam xuất khẩu 11.000 đồng/kg khiến gạo Thái Lan rớt giá kỉ lục - Ảnh 1.

Giá gạo Thái Lan đang giảm kỉ lục vì bị cạnh tranh gay gắt từ gạo Việt Nam và Ấn Độ. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Một thương nhân kinh doanh gạo tại Bangkok, cho biết: "Chúng tôi bắt đầu thấy nguồn cung mới vào thị trường trong tháng này giảm theo dự báo mua. Sắp tới, chúng tôi phải lường trước những lo ngại về nguồn cung nói chung".

Một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đã gây căng thẳng cho nguồn cung gạo Thái Lan, khiến giá tăng vọt lên mức cao nhất trong 7 năm xuyên suốt tháng 4 vưa qua.

"Nhu cầu vẫn không thay đổi nhưng vẫn có hi vọng rằng những người mua gạo ở Philippines có thể quan tâm đến gạo Thái Lan khi giá giảm, mặc dù cạnh tranh từ Việt Nam rất mạnh", một thương buôn khác ở Bangkok cho biết.

Giá của loại gạo nở 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2019, ở mức 380-385 USD/tấn trong tuần này.

"Nhu cầu tốt hơn năm ngoái vì gạo Ấn Độ được giảm giá so với gạo xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam", Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, cho biết. 

Nhờ các hoạt động logistic và công nhân đã trở lại làm việc bình thường nên tình trạng xuất khẩu hạn chế trong tháng 4 đã được cải thiện, Rao nói thêm.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng đang nhận được hỗ trợ từ đồng rupee yếu hơn, tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ bán hàng ở nước ngoài.

Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo, Trung Quốc mua giá cao nhất 13.500 đồng/kg

Trong khi đó, nguồn cung gạo trên thế giới đang ở mức thấp, đã đẩy giá gạo nở 5% tấm từ Việt Nam lên mức cao trong gần một năm qua, đạt 450-460 USD/tấn.

Việt Nam đã nối lại hoàn toàn xuất khẩu gạo từ tháng 5, sau lệnh cấm vào tháng 3, để đảm bảo cung cấp đầy đủ gạo trong nước vì đại dịch Covid-19. Dữ liệu hải quan sơ bộ cho thấy gần 150.000 tấn gạo sẽ được rời cảng TP HCM trong khoảng thời gian từ ngày 2-17/5, trong đó phần lớn hướng đến Philippines.

Còn theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu được 510.197 tấn gạo trong tháng 4, thu về 254,4 triệu USD. Tuy giảm 13,7% về lượng và 6,3% về kim ngạch, nhưng giá gạo trung bình của Việt Nam khi rời cảng trong tháng 5 đã tăng khoảng 900 đồng/kg so với tháng 3.

Gạo Việt Nam xuất khẩu 11.000 đồng/kg khiến gạo Thái Lan rớt giá kỉ lục - Ảnh 2.

Tuy giảm về sản lượng nhưng giá gạo xuất khẩu đã tăng khoảng 900 đồng/kg so với tháng 3. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2020, đã có 2.107.371 tấn gạo Việt Nam tiếp cận với hàng triệu bữa ăn trên thế giới, mang về 990,8 triệu USD. Giá gạo Việt Nam trung bình trong 4 tháng qua đạt gần 11.000 đồng/kg.

Philippines vẫn là bạn hàng số 1 của Việt Nam về gạo. 4 tháng qua, nước này nhập 902.061 tấn gạo với tổng kim ngạch lên đến 401,3 triệu USD. Giá gạo trung bình bán qua Philippines là khoảng 10.300 đồng/kg.

Với việc nhập 110.989 tấn gạo trong tháng 4, chiếm hơn 1/5 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt Malaysia, thành bạn hàng thứ 2 của Việt Nam về gạo. Lượng gạo Trung Quốc thu mua trong tháng rồi tăng 130,9% về lượng, tăng 171,9% về kim ngạch và tăng 17,8% về giá so với cùng kì năm trước.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 4, Trung Quốc đã mua của Việt Nam 273.529 tấn gạo, tổng giá trị  158.045.197 USD. Như vậy, mỗi kg gạo bán cho phía Trung Quốc là hơn 13.500 đồng/kg. Giá này cao hơn giá gạo trung bình Việt Nam xuất khẩu cho các nước đến 2.500 đồng/kg.

Gạo Việt Nam xuất khẩu 11.000 đồng/kg khiến gạo Thái Lan rớt giá kỉ lục - Ảnh 3.

Dù không phải là bạn hàng số 1 của Việt Nam về gạo xuất khẩu nhưng Trung Quốc tiếp tục là nước mua gạo với giá cao nhất. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết xét về mức tăng trưởng xuất khẩu gạo, các thị trường chủ đạo vẫn đạt mức tăng cả lượng và kim ngạch. Nhưng đáng chú ý hơn cả là một số thị trường, dù lượng xuất khẩu ít nhưng so với cùng kì lại tăng rất mạnh như: Chile tăng 531% về lượng và tăng 290% về kim ngạch; Indonesia tăng 113,2% về lượng và tăng 172,4% về kim ngạch; Senegal tăng 103,6% về lượng và tăng 107,8% về kim ngạch,…

Giá tăng cao nhưng không còn lúa để bán

Những ngày qua, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng cao và chạm đỉnh mới. Hiện tại, giá lúa IR50404 được thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 5.300-5.500 đồng/kg, cao hơn tới 1.300 đồng/kg so với vụ hè thu năm trước.

Ngay sau khi hạn ngạch xuất khẩu gạo được gỡ bỏ, ngành lúa gạo và xuất khẩu lập tức nhộn nhịp. Dù còn cả tháng hơn mới đến kì thu hoạch, nhưng nhiều nông dân cho biết, các thương lái đã đến tận ruộng đặt cọc mua lúa hè - thu của với mức giá liên tục tăng.

Gạo Việt Nam xuất khẩu 11.000 đồng/kg khiến gạo Thái Lan rớt giá kỉ lục - Ảnh 4.

Giá lúa, gạo đang cao nhưng nông dân lại hết lúa để bán. (Ảnh: Nông Thôn Mới).

Tuy nhiên, có một nghịch lí diễn ra, giá lúa đang tăng cao, nhưng nông dân không còn lúa để bán. Miền Tây hiện còn rất ít lúa đông - xuân muộn chưa thu hoạch xong và cũng chỉ có một diện tích rất nhỏ lúa hè - thu sớm đang thu hoạch.

"Nguồn cung cấp từ vụ hè - thu sắp tới sẽ không tăng mạnh vì vụ thu hoạch sẽ diễn ra chậm, kéo dài hơn hai tháng", một thương nhân buôn gạo ở An Giang chia sẻ với Reuters. 

Người này nói thêm: "Các thương nhân đang hối hả thực hiện các hợp đồng đã kí trước lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 3, trong khi chính phủ cũng đang mua gạo từ nông dân cho chương trình dự trữ quốc gia của mình".

Ngoài ra, tình trạng nắng nóng liên tục, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt để "giải khát" ruộng đồng vẫn còn đang đe dọa nông dân. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết để đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giải quyết toàn bộ vấn đề nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, cần khoảng 30.000 tỉ đồng.