Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về xuất khẩu gạo với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các tập đoàn, tổng công ty lương thực lớn diễn ra chiều nay, 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ nối lại việc xuất khẩu gạo bình thường từ tháng 5 tới.
Theo Thủ tướng, năm 2020, có kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam là 6 triệu tấn nhưng do tình hình dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán nên có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát để xem xét tình hình sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu, bảo đảm lương thực cho đất nước 100 triệu dân, đề phòng bất trắc xảy ra.
Thủ tướng nêu rõ hiện Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được dịch, cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giao thương mạnh mẽ để bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng trưởng. Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực. Tuy nhiên, một số trục trặc trong điều hành, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm, chủ trì các cân đối lớn, phối hợp tốt với nhau để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực tốt hơn, thuận lợi hơn.
Trước đề xuất của Bộ Công Thương, sau khi cân nhắc tình hình trong và ngoài nước, Thủ tướng đồng ý phương án điều hành xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5/2020.
Theo đó, hoạt động xuất khẩu gạo từ tháng 5/2020 tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không).
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân sản xuất lúa và doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu. Bộ Tài chính thực hiện mua đủ dự trữ quốc gia về gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ liên quan theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu; nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì báo cáo ngay Thủ tướng để có biện pháp xử lí phù hợp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình điều hành, các bộ, ngành cần lắng nghe ý kiến đầy đủ của các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, các doanh nghiệp sản xuất lớn và người dân.
Bộ Công Thương đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% quy định tại Nghị định 107. Đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất kí thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Trường hợp thương nhân không thực hiện, cho phép Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương rà soát Nghị quyết 107 để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế. Trong đó, tránh tình trạng "tay không bắt giặc" của một số doanh nghiệp, "không có kho, không có cơ sở gì hay vừa qua, có tình trạng, qua khai tờ khai hải quan, có một số doanh nghiệp không làm xuất khẩu tranh thủ đăng kí hạn ngạch".
Bộ Tài chính cần rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia để có giải pháp phù hợp. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo.
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chinh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lí nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Công Thương tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiêm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về vấn đề này.
Vấn đề xuất khẩu gạo thời gian được dư luận quan tâm, bởi sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa hai Bộ Công Thương và Tài chính.
Tại cuộc họp về an ninh lương thực diễn ra vào tháng 3, Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5, do lo ngại tình hình dịch Covid-19. Nhưng sau đó, cũng chính Bộ này lại kiến nghị Thủ tướng nối lại xuất khẩu gạo trong tháng 4, Bộ Công Thương đề xuất hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn.
Thủ tướng đồng ý hạn ngạch 400.000 tấn của Bộ Công Thương. Tuy nhiên sau đó, nhiều doanh nghiệp xuất gạo phản ánh hải quan mở tờ khai xuất khẩu lúc 0h Chủ nhật 12/4, mà không thông báo trước khiến gạo nằm ngoài cảng từ tháng 3 chưa xuất đi được.
Tại cuộc họp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu 100.000 tấn gạo để xử lí cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3, nhưng chưa đăng kí tờ khai hải quan, được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan.
Phó Thủ tướng đã phê bình hai Bộ Công Thương và Tài chính trong việc xuất khẩu gạo. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đang vào cuộc thanh tra việc xuất khẩu gạo theo yêu cầu của Thủ tướng.
Trước khi cuộc họp hôm nay diễn ra, Bộ Công Thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hạn ngạch, từ ngày 1/5/2020. Theo đó, cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định số 107.
Quyết định được đưa ra sau khi căn căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu.