Giá gạo Việt Nam lên cao nhất hơn 8 năm qua, tăng liên tiếp từ tháng 4 đến nay

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng, đạt mốc cao nhất trong hơn 8 năm qua, cao hơn gạo Ấn Độ đến 100 USD/tấn. Reuters cho rằng sắp tới, Philippines, Bangladesh và Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu sẽ là thời cơ nhưng cũng là thách thức của gạo Việt Nam.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên hơn 11.000 đồng/kg

Reuters đưa tin giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn 8 năm qua do các thương nhân đua nhau đẩy giá lúa thu mua tận ruộng lên cao, để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong khu vực. Ngoài ra, mưa lớn đang cản trở thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đẩy giá gạo lên cao.

Hiện gạo tấm 5% của Việt Nam RI-VNBKN5-P1 đã tăng lên 475 USD/tấn, tức nhỉnh hơn mốc 11.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm 2012, tăng từ 450- 460 USD/tấn so với tuần trước đó.

"Nhu cầu thị trường vẫn rất mạnh, trong khi nguồn cung thì mỏng dần", một thương nhân ở TP HCM cho biết. 

Việt Nam đặt mục tiêu vận chuyển 7 triệu tấn gạo đi phục vụ hàng triệu bữa ăn trên thế giới trong năm 2020, cao hơn số liệu năm ngoái.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất hơn 8 năm qua, tăng liên tiếp từ tháng 4 đến nay - Ảnh 1.

Sản lượng và giá gạo Việt Nam xuất khẩu đều tăng kỉ lục trong tháng 5. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Giá liên tục tăng, nhưng các thương nhân đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ gạo để thực hiện các hợp đồng kí với người mua ở Malaysia và Cuba. Các thương nhân khác cho biết mưa lớn kèm giông mạnh đang làm chậm thu hoạch vụ lúa hè - thu ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, giá gạo Việt Nam từ đầu tháng 4 tới nay đã liên tục tăng. Vào cuối tháng 3, giá gạo chuẩn 5% tấm của Việt Nam RI-VNBKN5-P1 dao động trong khoảng từ 355-360 USD/tấn. Sang đầu tháng 4, giá tăng lên mức 450-460 USD/tấn, và giữ tới cuối tuần rồi.

"Nhu cầu đang tăng nhanh hơn nguồn cung từ vụ thu hoạch hè - thu vừa mới bắt đầu. Chúng tôi đang nhận thấy nhu cầu cao hơn từ các nước như Cuba, Malaysia và Philippines. Họ đang xây dựng kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực cho thời gian dài chống Covid-19", một thương nhân gạo ở tỉnh An Giang cho biết. 

Một số thương nhân trong khu vực cho Reuters hay mức giá này còn có thể tăng trong những tuần tới.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 5, Việt Nam bán được gần 526.000 tấn, vượt hẳn sản lượng tháng trước. Giá gạo trung bình một lần nữa phá kỉ lục mới. Mỗi kg gạo rời cảng được định giá khoảng 12.300 đồng/kg.

Gạo Thái Lan bắt đầu tăng, gạo Ấn Độ liên tục giảm

Mưa lớn cũng ảnh hưởng đến việc canh tác ở Bangladesh. Những ngày qua, mưa lớn đang nhấn chìm các vùng đất thấp trũng, tràn ngập ruộng đồng. Bangladesh từ trước đến nay là nhà sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, với sản lượng hàng năm khoảng 35 triệu tấn. Thế nhưng, nước này thường phải dùng đến gạo nhập khẩu để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực, do lũ lụt hoặc hạn hán.

Trong khi giá gạo Việt Nam tăng liên tục từ đầu tháng 4 đến nay, các nhà xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ lại ghi nhận gạo đồ 5% tấm giống RI-INBKN5-P1 đã giảm xuống còn 368-373 USD/tấn, so với mức 370-375 USD mỗi tấn của tuần trước.

Nitin Gupta, Phó Chủ tịch Hội thương nhân gạo Olam Ấn Độ, cho biết các nhà nhập khẩu ở châu Phi và châu Á đã mua chậm gạo lại, sau khi trải qua đợt thu mua lớn vào tháng 5. Dù gạo xuất khẩu đang giảm liên tục, Ấn Độ vẫn tăng giá lúa mùa từ nông dân địa phương lên 2,9%.

Gạo tấm 5% chuẩn của Thái Lan giống RI-THBKN5-P1 sau đợt giảm vào tuần rồi, cũng đã tăng lên 490-512 USD/tấn, tăng từ mức 489-490 USD/tấn. Các thương nhân cho rằng giá gạo nhích lên là do đồng baht mạnh hơn.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất hơn 8 năm qua, tăng liên tiếp từ tháng 4 đến nay - Ảnh 2.

Giảm mạnh vào giữa tháng 5 do gạo Việt Nam hút khách, đến nay giá gạo Thái Lan đã lấy lại đà tăng. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Vẫn còn một số lo ngại về nguồn cung trên thị trường gạo nội địa, vì Thái Lan cũng hứng chịu những cơn mưa mùa hạ với lượng nước rất lớn. Điều này tiếp tục giữ giá gạo trong nước cao, một thương nhân ở Bangkok cho biết.

Tuy nhiên, mưa đã làm giảm bớt mối lo ngại về nguồn cung sau một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đã ảnh hưởng đến các vùng trồng lúa trên khắp Thái Lan vào đầu năm nay.

Cơ hội lớn từ Philippines, Bangladesh và Trung Quốc

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến từ ổn định đến tăng nhẹ trong tháng 5 vừa qua.

Cụ thể, giống lúa IR50404 đã tăng lên mức 5.900 đồng/kg ở nhiều địa phương. Đặc biệt, lúa OM 5451 có nơi ghi nhận được đỉnh giá 7.000 đồng/kg.

Philipppines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, với 40,5% thị phần. Nước này nhập gạo tăng 11,4% về khối lượng và tăng 26% về giá trị so với cùng kì năm 2019

Đáng chú ý, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ, nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm hàng năm vào quý III.

Nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nhằm đạt được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu gạo Philippines.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất hơn 8 năm qua, tăng liên tiếp từ tháng 4 đến nay - Ảnh 3.

Bà con nông dân miền Tây nên tận dụng cơ hội các nước đẩy mạnh nhập gạo để thu lợi từ vụ hè - thu đang gần thu hoạch. (Ảnh: VnExpress).

Bên cạnh đó, Bangladesh đang gặp tai ương nên cũng đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra, để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngoài ra theo nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện 95% mục tiêu tự túc lương thực (gạo, bắp, lúa mì) nhưng vẫn cho phép nhập khẩu một lượng nhất định thông qua hệ thống hạn ngạch phi thuế quan. Hệ thống này cho phép các thương nhân trong nước nhập khẩu với mức thuế suất chỉ còn 1% so với mức ngoài hạn ngạch 65%.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 493,8 triệu tấn, giảm khoảng 0,5% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 dự kiến đạt 490,2 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019. Một số thương nhân trong khu vực cho Reuters hay, mức giá này còn có thể tăng trong những tuần tới.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.