Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng 15 ngày đầu tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu 32.533 tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 15 triệu USD.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, 1.682.436 tấn gạo Việt Nam đã phục vụ bữa ăn cho hàng triệu gia đình trên thế giới, thu về gần 775 triệu USD. Trung bình, mỗi tấn gạo xuất ra nước ngoài có giá 10.800 đồng/kg.
Như vậy, gạo là mặt hàng hiếm hoi có đợt bức phá trong khi đa phần nông sản đang lao đao giữa những tháng dịch Covid-19. Trong đó, phải kể đến lượng gạo đổ qua cửa khẩu Việt - Trung tăng trưởng cực kì ấn tượng.
Tính đến cuối tháng 3, Trung Quốc đã mua đến 162.040 tấn gạo của Việt Nam, chiếm hơn 1/10 tổng lượng gạo rời cảng, cửa khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam của Trung Quốc đạt gần 91 triệu USD.
Trung bình mỗi kg gạo được Trung Quốc mua với giá 13.200 đồng. Mức này cao hơn 1.700 đồng/kg so với giá gạo trung bình người Trung Quốc chịu mua trong năm qua, và cao hơn hẳn so với mặt bằng chung các nước khác, đến gần 3.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, giá gạo mà Trung Quốc giao dịch với Việt Nam trong 3 tháng qua cao hơn rất nhiều so với bạn hàng số 1 về gạo của Việt Nam là Philippines. Nhập hơn nửa triệu tấn gạo của Việt Nam, nhưng người Philippines chỉ chi bình quân 9.900 đồng cho mỗi kg gạo. Mức giá này thấp hơn số tiền Trung Quốc chịu bỏ ra đến 2.800 đồng/kg.
So với 3 tháng đầu năm 2019, gạo xuất sang Trung Quốc tăng đến 3,75 lần về sản lượng và hơn 4,3 lần về giá trị. Nổi bật nhất vẫn là kết quả đạt được trong tháng 3 vừa qua. Giá trị và sản lượng gạo tới tay người tiêu dùng Trung Quốc tăng gấp đôi so với tháng trước. Giá gạo trung bình cũng tăng hơn 300 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng, là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, có tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hóa toàn cầu, và người dân có tâm lí tích trữ lương thực.
Trong bối cảnh giá thế giới tăng cao và thị trường Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cân nhắc tận dụng.
Reuters đưa tin, giá gạo chuẩn 5% của Việt Nam RI-VNBKN5-P1 ngay đầu tuần này đã tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Tuần trước, giá dao động trong khoảng từ 355-360 USD/tấn.
"Gần đây, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Philippines và Malaysia, trong khi nguồn cung vẫn còn thấp, do vụ thu hoạch đông - xuân chưa đạt đỉnh", một thương nhân tại TP HCM cho biết.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex, tiết lộ với Reuters Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu 6,75 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 6% so với năm ngoái.
"Giá gạo của Việt Nam có thể còn tăng hơn nữa, vì chúng vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước sản xuất gạo khác", một thương nhân khác cho biết.
Trước đó, tận dụng thời cơ Việt Nam và Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo, Thái Lan chiếm thế độc tôn trên thị trường, hưởng trọn lợi nhuận khi giá gạo 5% tấm tăng lên 550 - 580 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu không bị ngưng trong tháng qua, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ thu về khoản lợi nhuận rất tốt.
Báo Thanh Niên dẫn lời PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng có thể tăng nhanh tốc độ xuất khẩu gạo, để tận dụng cơ hội giá cao. Thậm chí nếu hết tháng 5, có thể xuất được khoảng 5 triệu tấn gạo càng tốt, vì thu hoạch vụ đông - xuân là vụ chính ở ĐBSCL. Đến vụ hè - thu thì chỉ cho phép xuất khoảng 1,5 triệu tấn gạo nữa, là đủ chỉ tiêu xuất trong năm nay.
"Nhiều doanh nghiệp săn lùng thị trường ngách, tìm mối xuất khẩu các loại gạo khác nhau. Nay được giá cao thì càng cho xuất nhanh, để doanh nghiệp có lợi và người nông dân cũng phấn khởi. Từ đó, càng khuyến khích nông dân giữ ruộng, sản xuất lúa, và đây là điều kiện để đảm bảo an ninh lương thực trong nước", PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn, cũng có quan điểm tương tự khi trao đổi với Báo Tuổi Trẻ. Theo ông, trong khi mọi ngành đều "màu xám" thì tín hiệu tốt của thị trường lúa gạo là điểm sáng quý giá, cần phải tận dụng ngay để giúp nông dân vượt qua khó khăn khi hạn mặn đang đe doạ không ngừng và dịch Covid-19 khiến thị trường nông sản bất động.
"Năm nay, sản lượng vụ đông - xuân thu hoạch bằng hoặc hơn năm trước, tín hiệu thị trường hiện nay rất thuận lợi. Chắc chắn nông dân sẽ tăng diện tích hè - thu sớm, giúp tăng thêm nguồn cung lúa gạo cả năm.
Nếu thủ tục thông thoáng thì, lượng gạo dư ra để xuất khẩu chắc sẽ cao hơn 6 triệu tấn của năm ngoái. Hoàn toàn không có lí do gì lo ngại về an ninh lương thực cả", TS Đặng Kim Sơn khẳng định.