Lãnh đạo một số doanh nghiệp top đầu trúng xuất khẩu gạo nằm trong VFA

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là một số doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu gạo thành công có lãnh đạo hoặc nằm trong Ban chấp hành hoặc Ban Kiểm tra nhiệm kì 8 (2018-2023) của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Lãnh đạo một số doanh nghiệp top đầu trúng xuất khẩu gạo nằm trong VFA - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Theo danh sách doanh nghiệp đăng kí tờ khai xuất khẩu gạo thành công ngày 12/4 của Tổng cục Hải quan, có tổng cộng 39 doanh nghiệp với tổng khối lượng gạo đạt 399.999,73 tấn.

Cụ thể, từ 0h – 6h15 ngày 12/4 có 38 doanh nghiệp đăng kí 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo 399.989,43 tấn. Trong đó có 1 doah nghiệp đăng kí 102 tờ khai, với 96.234 tấn là Công ty CP Tập đoàn Intimex.

“Hạn ngạch xuất khẩu gạo lúc 6h15 chỉ còn 10,57 tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp tiếp tục đăng kí tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,57 tấn không được hệ thống tiếp nhận”, Tổng cục Hải quan giải thích.

Cũng theo đơn vị này, sau thời điểm 6h15 ngày 12/4 có 2 doanh nghiệp (trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng kí tờ khai thời điểm trước đó) đăng kí 2 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn, nên được hệ thống tiếp nhận (15h10 đăng kí xuất 9 tấn và 19h34 đăng kí xuất 1,2 tấn).

Theo tìm hiểu của Tiền phong, trong số 39 doanh nghiệp trên thì doanh nghiệp đăng kí tờ khai thành công đầu tiên là Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, vào lúc 0h00p39s. Tổng cộng doanh nghiệp này đăng kí được 16 tờ khai, trong đó tờ khai cuối cùng được thực hiện vào lúc 1h04p04s. Tổng lượng gạo công ty này đăng kí là 16.290 tấn.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp top đầu trúng xuất khẩu gạo nằm trong VFA - Ảnh 2.

Danh sách 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai XK gạo ngày 12/4 thành công

 Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là một số doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu gạo thành công có lãnh đạo hoặc nằm trong Ban chấp hành hoặc Ban Kiểm tra nhiệm kì 8 (2018-2023) của VFA.

Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Intimex – doanh nghiệp mở được 102 tờ khai với 96.234 tấn gạo. Qua rà soát cho thấy tờ khai đầu tiên của doanh nghiệp này thành công vào 0h09p03s, tờ khai cuối cùng vào 2h38p43s. Tổng giám đốc của Intimex là ông Đỗ Hà Nam, hiện đang giữ chức Phó chủ tịch VFA.

Doanh nghiệp đăng kí được sản lượng gạo xuất khẩu lớn thứ 2 trong hạn ngạch 400.000 tấn là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2). Tổng lượng gạo đăng kí 38.356 tấn. Tờ khai đầu tiên doanh nghiệp này đăng kí thành công vào lúc 0h13p07s. Ông Nguyễn Ngọc Nam – Tổng giám đốc Vinafood2, hiện đang giữ chức Chủ tịch VFA.

Xếp thứ 3 là Công ty CP XNK Kiên Giang, với 19 tờ khai, tổng lượng gạo đạt hơn 35.000 tấn. Tờ khai đầu tiên đăng kí thành công của doanh nghiệp này vào lúc 0h01p10s. Bà Dương Thị Thanh Nguyệt, Tổng Giám đốc công ty này hiện là Ủy viên của VFA.

Đứng thứ 4 là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín, mở được 40 tờ khai cho 25.366 tấn gạo. Tờ khai đầu tiên được công ty đăng kí thành công vào lúc 0h03p45s. Bà Trần Thanh Nga, Giám đốc công ty này, hiện cũng đang là ủy viên của VFA.

Các doanh nghiệp có sản lượng gạo đăng kí xuất khẩu lớn tiếp nối sau đó là: Công ty CP Thương mại Kiên Giang (24.414,50 tấn), có Tổng giám đốc Phạm Văn Hoàng đang là Phó chủ tịch VFA; Công ty TNHH Tân Thạnh An 17.078,99 tấn, có giám đốc là ủy viên VFA; Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi 16.290 tấn; Công ty CP Hiệp Lợi 15.151 tấn; Công ty TNHH Phát Tài 13.630 tấn.

Đáng chú ý, theo rà soát của Tổng cục Hải quan, trong số 39 doanh nghiệp đăng kí xuất khẩu có 4 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020, nhưng từ chối kí hợp đồng, hoặc không đến kí hợp đồng bán gạo với Cục Dữ trữ Nhà nước khu vực nhưng đã đăng kí xuất khẩu.

Trong đó, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood1) trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa kí hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đăng kí 8 tờ khai xuất khẩu số lượng 7.200 tấn. Tổng Giám đốc của Vinafood 1 Bùi Thị Thanh Tâm hiện đang là Phó chủ tịch VFA.

Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo, cũng đăng kí 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Hai doanh nghiệp khác gồm: Công ty CP Mỹ Tường trúng thầu 900 tấn và Công ty CP XNK Thuận Minh trúng 1.000 tấn, cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa kí hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này cũng đăng kí tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.


chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.