Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm trong tuần này, giảm mạnh từ mức cao nhất so với hơn một năm trở lại đây. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được mức cao nhất gần 2 năm trở lại đây.
Giá gạo đồ Ấn Độ loại 5% tấm đã giảm xuống còn 370-375 USD/tấn so với mức 385-389 USD/tấn vào tuần trước. Đây là mức giảm cao nhất kể từ tháng 4/2019.
Reuters cho rằng, giá gạo nước này giảm là do nhu cầu của người dùng đã dịu bớt trong vài ngày qua, do giá gạo liên tục cao hơn mỗi ngày. Một nhà xuất khẩu tại Mumbai tiết lộ, người mua đang tạm dừng xuống tiền trữ gạo sau khi mua hàng loạt vào đầu tháng 5.
Nhưng Reuters dự đoán, việc đồng rupee yếu hơn và giá cả cạnh tranh hơn hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu đối với giống gạo của Ấn Độ trong những tuần tới.
Tuy nhiên, ngành lúa nước Ấn Độ đang đối mặt với hiện tượng nắng hạn cực đoan nhất từ trước đến nay. Suốt vài tuần qua, nhiệt độ trung bình của khu Nam Á luôn cao hơn so với vùng Trung và Tây Á, vùng vốn nằm sâu trong lục địa với nhiều sa mạc lớn.
Vì thế, nguồn cung giống lúa hè 'Boro' chiếm ưu thế của Bangladesh có thể bỏ lỡ mục tiêu 20,04 triệu tấn trong năm nay, do diện tích giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Diện tích canh tác Boro đã giảm xuống 4,75 triệu ha so với 4,9 triệu ha vào năm ngoái, dữ liệu từ Bộ Khuyến nông nước này cho thấy.
Cùng cảnh ngộ, các nhà giao dịch cho biết, gạo 5% tấm loại chuẩn của Thái Lan đã giảm xuống còn 489-490 USD/tấn, từ mức 480-505 USD/tấn trước đây. Các thương nhân đang cùng chung quan điểm, rằng giá gạo Thái giảm liên tục là do người mua đang chọn các nhà cung cấp rẻ hơn từ Ấn Độ và Việt Nam.
"Doanh số bán hàng vẫn được duy trì nhưng không có giao dịch nào lớn vì giá gạo vẫn còn khá cao", một thương nhân tại Bangkok cho biết. Người này cũng lo ngại về nguồn cung lúa gạo sau một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất suốt nhiều thập niên qua đã khiến nhiều khu vực trồng lúa của xứ chùa vàng khô hạn.
Trong khi giá gạo Ấn Độ và Thái Lan thi nhau giảm, với Việt Nam, giá gạo 5% không thay đổi, vẫn ở mức 450-460 USD/tấn, mức giá cao nhất trong gần một năm qua. So với gạo xuất khẩu của Ấn Độ, giá này cao hơn gần 100 USD/tấn. Một số thương nhân trong khu vực cho Reuters hay, mức giá này còn có thể tăng trong những tuần tới.
"Nhu cầu đang tăng nhanh hơn nguồn cung từ vụ thu hoạch hè - thu vừa mới bắt đầu. Chúng tôi đang nhận thấy nhu cầu cao hơn từ các nước như Cuba, Malaysia và Philippines, họ đang xây dựng kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực cho thời gian dài chống Covid-19", một thương nhân gạo ở tỉnh An Giang cho biết.
Như vậy, giá gạo Việt Nam từ đầu tháng 4 tới nay đã tăng liên tục. Vào cuối tháng 3, giá gạo chuẩn 5% của Việt Nam RI-VNBKN5-P1 dao động trong khoảng từ 355-360 USD/tấn.
Ngay đầu tháng 4, giá loại gạo này đã tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Đến cuối tháng 4, nguồn cung gạo trên thế giới đang ở mức thấp đã đẩy giá gạo nở 5% tấm của Việt Nam lên mức cao nhất trong gần một năm qua, đạt 450-460 USD/tấn. Trong vòng một tháng, giá gạo Việt Nam bán ra thị trường quốc tế tăng gần 100 USD/tấn và liên tục giữ giá tốt đến nay.
Cùng tăng bật trở lại với Việt Nam, nhưng giá gạo Ấn Độ đang đi lùi với sản lượng bán ra ngày càng giảm. Thế nhưng, sản lượng gạo xuất cảng của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, gần 533.000 tấn gạo Việt Nam đã phục vụ hàng triệu bữa ăn trên thế giới. Sang tháng 3, con số này vượt mốc 590.000 tấn. Tuy đến tháng 4, gạo Việt Nam chỉ xuất khẩu được hơn 510.000 tấn nhưng giá trung bình đạt mức cao nhất 11.600 đồng/kg.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 5, Việt Nam bán được gần 526.000 tấn, vượt hẳn sản lượng tháng trước. Giá gạo trung bình một lần nữa phá kỉ lục mới. Mỗi kg gạo rời cảng được định giá khoảng 12.300 đồng/kg.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cũng xác nhận, giá gạo 5% tấm Việt Nam hiện có mức cao nhất trong gần 1 năm do nhu cầu thế giới vẫn ở mức cao. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã được khôi phục hoàn toàn từ đầu tháng 5. Số liệu sơ bộ cho thấy có gần 150.000 tấn gạo đã được bốc xếp ở cảng TP HCM trong thời gian từ ngày 2-17/5, chủ yếu để chở sang Philippines.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ vụ đông - xuân tới nay đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp.
Những tháng qua, nhiều doanh nghiệp cố gắng mua lượng lúa đông - xuân khá lớn để chế biến. Chất lượng gạo vụ này khá tốt, lại được chuẩn bị khâu chế biến tốt nên khách hàng ưa chuộng. Nhiều đơn vị đã tiến hành thu mua lúa hè - thu ngày từ vài tuần trước.
"Công ty tôi hiện có khoảng 10 ngàn tấn gạo. Mới đây, chúng tôi cũng đã kí hợp đồng 3.000 tấn với các đối tác. Nhiều khách hàng tiềm năng cũng đang trông đợi vào mua gạo của công ty", ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Cty TNHH sản xuất Thương mại Phước Thành 4, chia sẻ.
Cơ hội không chỉ có ở ngay trước mắt, về lâu về dài, ngành gạo Việt Nam vẫn được trải thảm đỏ. Bộ Công Thương cho biết ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của gạo sẽ tăng thêm 65%, tính đến hết năm 2020.