Vietnam Airlines đã bán 5 máy bay A321 giữa vòng vây nợ nần vì dịch Covid-19

Vietnam Airlines đã thanh lí thành công 5 máy bay A321 trị giá 37 triệu USD giữa khó khăn chồng chất vì đại dịch Covid-19. Hãng hàng không quốc gia cũng đang thoái vốn khỏi Hãng hàng không quốc gia Campuchia.

Covid-19 tác động trực tiếp đến doanh thu lõi của Vietnam Airlines

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2019. Tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines năm 2019 đạt 98.228 tỉ đồng, tăng 1.417 tỉ so với năm 2018.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Hãng hàng không Quốc gia 3.389 tỉ đồng tăng nhẹ so với năm trước đó. 

Vietnam Airlines đang thoái vốn khỏi Cambodia Angkor Air, đã bán xong 5 máy bay A321 giữa vòng vây nợ nần vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Covid-19 tác động trực tiếp đến doanh thu lõi của Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA).

Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả kinh doanh của năm ngoái, khi thị trường hàng không tại Việt Nam luôn được các chuyên gia quốc tế dự báo là một "mảnh đất" màu mỡ, tăng trưởng trên hai con số. Bước sang năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành hàng không thế giới rơi vào khủng hoảng, và Vietnam Airlines cũng không ngoại lệ.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin thêm về ảnh hưởng của đại dịch này đến hoạt động của tổng công ty sau ngày kết thúc niên độ tài chính trong kì báo cáo.

"Sự lây lan của dịch bệnh do chủng virus corona mới gây ra đã và đang tác động đến nền kinh tế thế giới. Hoạt động kinh doanh của công ty cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến khó dự đoán của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam", lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định.

Hãng cho biết dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến doanh thu lõi của công ty, từ hoạt động vận tải hàng không do tạm ngưng toàn bộ các chuyến bay quốc tế. Số lượng số chuyến bay khai thác nội địa cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, do công tác đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải cho biết thêm từ ngày 1/4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ còn 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch. Hầu hết máy bay của các hãng phải đậu lại tại các cảng.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn nhà nước, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. 

Ước tính, 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines giảm 6.712 tỉ đồng, chỉ đạt 19.212 tỉ đồng và lỗ 2.383 tỉ.

Tính toán của Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, nếu dịch kéo đến quý IV thì tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước giảm 72.411 tỉ đồng so với kết hoạch, chỉ còn 38.140 tỉ đồng và lỗ đến 19.651 tỉ đồng trong năm 2020.

Vietnam Airlines: Khả năng hoạt động liên tục phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ

Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán vừa công bố, Vietnam Airlines cho biết ban giám đốc đã đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng của dịch Covid-19 đối với tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, kèm theo các kế hoạch thích hợp trong ngắn hạn và dài hạn để kiểm soát sự không chắc chắn. 

"Khả năng hoạt động liên tục của công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp", Vietnam Airlines nhận định.

Vietnam Airlines đang thoái vốn khỏi Cambodia Angkor Air, đã bán xong 5 máy bay A321 giữa vòng vây nợ nần vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Dự báo năm 2020 Vietnam Airlines sẽ lỗ gần 20.000 tỉ đồng. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đồng thời, lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia cho biết công ty đã gửi công căn kêu gọi Chính phủ đưa ra những hỗ trợ cần thiết, gồm cấp các khoản vay trong gói hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Hãng đề nghị được giảm thuế, các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước và hỗ trợ trong vấn đề thương thảo với các bên cho vay, cũng như các tổ chức khác nhằm gia hạn các khoản vay và giãn nghĩa vụ thanh toán. 

Theo Vietnam Airlines, khoản hỗ trợ tài chính đang trong quá trình xem xét và phụ thuộc vào quyết định phê duyệt của Chính phủ. Ban lãnh đạo đang chủ động xem xét lại chiến lược kinh doanh, làm việc với các đối tác, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, nhằm ứng phó với tình hình tài chính hiện tại. 

Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nói thêm hiện Vietnam Airlines đang gặp khó khăn về tài chính. Đầu năm nay, hãng có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỉ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.

Ủy ban Quản lí vốn nhà nước cho rằng để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, hãng cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỉ đồng và giải ngân ngay trong tháng 4 này.

Vietnam Airlines đã bán xong 5 máy bay A321, đang thoái vốn khỏi Cambodia Angkor Air

Vietnam Airlines cũng cho biết thêm tính đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này, hãng đã kí hợp đồng bán 5 máy bay A321, với tổng giá trị thanh lí hơn 37 triệu USD.

Công ty đang thực hiện bàn giao các máy bay và dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2020. 

Vietnam Airlines đang thoái vốn khỏi Cambodia Angkor Air, đã bán xong 5 máy bay A321 giữa vòng vây nợ nần vì dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Vietnam Airlines đang thoái vốn khỏi Cambodia Angkor Air. (Ảnh: Reuters).

Đáng chú ý, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết thêm năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận phương án tái cơ cấu khoản đầu tư vào Hãng hàng không Quốc gia Campuchia (Cambodia Angkor Air) và Vietnam Airlines đang thoái vốn khỏi hãng bay này.

Năm 2009, Vietnam Airlines và các đối tác của Campuchia kí kết hợp đồng liên doanh thành lập Cambodia Angkor Air, trong đó, Vietnam Airlines nắm giữ tỉ lệ 49% vốn điều lệ ban đầu. 

Theo những thỏa thuận đạt được, Vietnam Airlines sẽ hợp tác toàn diện và hỗ trợ tối đa cho Cambodia Angkor Air trong quá trình hoạt động, mở rộng và phát triển. Ngay trong năm đầu tiên, Vietnam Airlines cũng đã thực hiện chuyển giao một số máy bay cho Cambodia Angkor Air.

Tại thời điểm hợp tác, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng Campuchia giàu tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, du lịch. Nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển du lịch của Campuchia mở ra cơ hội hợp tác, trong đó có hàng không.

"Trong quá trình hoạt động của mình, chưa bao giờ chúng ta phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động, với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác", CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành giãi bày với toàn thể cán bộ, nhân viên và cho rằng công ty chưa bao giờ phải đưa ra những quyết định đặc biệt khó khăn và có tính lịch sử như vậy.