'Tân binh' Vietravel Airlines trước bài toán năng lực tài chính và thị phần hàng không nội địa

Bộ Tài chính và Bộ GTVT yêu cầu làm rõ năng lực tài chính của công ty mẹ trước khi hãng được cấp phép bay Vietravel Airlines.

Bộ Tài chính cảnh báo vốn khi công ty mẹ gặp khó vì dịch Covid-19

Theo TTXVN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông (Vietravel - công ty mẹ của Vietravel Airlines) và Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines. 

Trong đó có nội dung tại Công văn ngày 1/10/2020 của Bộ Tài chính đã nêu quan ngại về năng lực tài chính của Vietravel khi tham gia góp vốn vào Vietravel Airlines.

Từ báo báo cáo tài chính quí III/2019 và báo cáo tài chính quí II/2020 của Công ty Vietravel, Bộ Tài chính cho rằng, nguồn vốn của doanh nghiệp này đầu tư góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi trong thời hạn hai năm có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines và được mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Qua rà soát báo cáo tài chính quí II/2020 của Công ty Vietravel, Bộ Tài chính nhận thấy một số chỉ tiêu về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 30/6/2020 cần phải chú ý.

Cụ thể, tổng nợ phải trả của Vietravel là 1.578 tỉ đồng gồm: nợ phải trả ngắn hạn là 862 tỉ đồng, nợ phải trả dài hạn là 715 tỉ đồng; trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cộng dài hạn là 942 tỉ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vietravel hiện lên tới 10,8 lần, trong khi hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần. Lợi nhuận trước thuế là âm 65 tỉ đồng.

Với các chỉ tiêu về tình hình tài chính nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.

Vietravel Airlines trước bài toán năng lực tài chính và thị phần trong thị trường hàng không - Ảnh 1.

(Nguồn: HA tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Vietravel hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, chính vì vậy doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng nặng bởi tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch này cũng khiến doanh nghiệp phải hoãn lại kế hoạch bay của Vietravel Airlines dù đã được chấp thuận chủ trương thành lập.

Năm 2020, Vietravel dự kiến doanh thu đạt 3.065 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế âm gần 23 tỉ đồng. Tính đến 30/6, công ty chỉ đạt 32% mục tiêu doanh thu, vượt xa so với dự kiến.

Tại ngày 30/6, Vietravel đã rót gần 27 tỉ đồng vào chi phí cho dự án hàng không Vietravel Airlines.

Doanh nghiệp cam kết đảm bảo duy trì mức vốn tối thiểu

Theo báo Giao thông, trước cảnh báo của Bộ Tài chính về khả năng lo vốn cho Vietravel Airlines, Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ có văn bản khẳng định doanh nghiệp cam kết duy trì mức vốn tối thiểu trên 700 tỉ đồng cho hãng bay.

Ông Kỳ cho biết Vietravel hoạt động trong lãnh vực lữ hành, có nhiều đặc điểm khác biệt, đặc thù hơn so với hoạt động kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh khác. Kinh doanh lữ hành là thu tiền trước của khách hàng (future sales) và trả sau cho đối tác, do đó khoản phải trả cho người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước có số tuyệt đối khá cao, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn, xấp xỉ 700 tỉ đồng.

Với số vốn điều lệ là 173 tỉ đồng, Vietravel đạt doanh số năm 2019 là 8.400 tỉ đồng. Bình quân Vietravel thu vào 1 triệu USD/ngày, thời gian thu tiền trước của khách hàng trung bình là 30 - 45 ngày. Hãng trả cho tiền cho đối tác sau 45-60 ngày. Vì vậy, công ty đảm bảo luôn có một dòng tiền từ 35 - 40 triệu USD để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. 

Vietravel Airlines trước bài toán năng lực tài chính và thị phần trong thị trường hàng không - Ảnh 2.

(Ảnh: Báo Giao thông).

Theo ông Kỳ, về lí thuyết đây nguồn vốn ngắn hạn (tạm thời), nhưng được bổ sung thường xuyên và ổn định trong hoạt động kinh doanh của Vietravel. Do đó, trên thực tế đây là nguồn vốn thường xuyên của công ty.

Ngoài ra, lãnh đạo của Vietravel chi sẻ, hiện doanh nghiệp này được rất nhiều nhà đầu tư và các tổ chức định chế tài chính quan tâm đầu tư và tài trợ vốn. Trong đó có một số ngân hàng lớn nhất Việt Nam như VCB, BIDV và Vietinbank kí hợp đồng cấp hạn mức tín dụng tín chấp 850 tỉ đồng.

Công ty Vietravel chính thức lên sàn chứng khoán từ cuối quí III/2019 với (Mã: VTR). Hãng dự kiến sẽ phát hành ra bên ngoài một số trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu của Vietravel với giá tham chiếu trên sàn chứng khoán là 40 nghìn đồng/cổ phiếu (được Plimson và PriceWaterHouse - PWC định giá là 60 nghìn đồng/cổ phiếu).

Ông Kỳ cho rằng, dù đại dịch Covid-19 đã làm giảm cơ hội tăng trưởng nhanh của thị trường vận tải hàng không Việt Nam, nhưng đối với Vietravel Airlines là không ảnh hưởng quá lớn do qui mô của hãng nhỏ và sẵn có thị trường khách du lịch từ Công ty Vietravel. Hơn nữa, Vietravel Airlines dự kiến khai thác vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Thời điểm này thị trường được dự báo sẽ hồi phục, hãng đảm bảo cân đối được thu chi và có lãi ngay khi khai thác vào đầu năm 2021. 

Cục Hàng không khẳng định Vietravel Airlines đủ điều kiện

Theo báo Thanh niên, mới đây, Cục Hàng không vừa có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan tới việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines. 

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đáp ứng các điều kiện theo qui định, trong đó có vấn đề vốn.

Sau khi đi vào khai thác, các cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành tiếp tục đảm bảo công tác giám sát việc duy trì vốn pháp định của hãng hàng không theo quy định. 

Cục Hàng không cũng lưu ý, ngay cả khi có giấy phép, Vietravel Airlines sẽ chưa thể cất cánh ngay và chỉ được phép khai thác trên lãnh thổ Việt Nam sau khi được cấp Giấy chứng nhận Nhà khai thác tàu bay (AOC) và phê duyệt Chương trình an ninh hàng không, đảm bảo các vấn đề về an ninh, an toàn hàng không theo qui định.

Với lĩnh vực an toàn hàng không, theo kế hoạch, hãng chỉ thực hiện hoạt động khai thác vận chuyển hàng không bằng máy bay thuê không có tổ bay (thuê khô).

Cơ hội vẫn mở trong thị trường khó khăn?

Theo TTXVN, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam là một trong ba quốc gia ghi nhận tăng trưởng du lịch trong nước. Hai quốc gia còn lại là Hàn Quốc và Indonesia. So với cùng kì năm trước, số lượng các chuyến bay nội địa theo lịch trình của Việt Nam đã tăng ấn tượng 28%. Tại 20 thị trường nội địa hàng đầu thế giới số chuyến bay đạt trên 1,3 triệu chuyến, giảm 1/3 (32%) so với năm 2019. 

Nhờ áp dụng biện pháp hạn chế được nới lỏng, khiến việc đi lại bằng đường hàng không trong nước đang dần hồi phục. 

Vietravel Airlines trước bài toán năng lực tài chính và thị phần trong thị trường hàng không - Ảnh 3.

Tình hình khai thác chuyến bay của 5 hãng hàng không (Đơn vị: Nghìn chuyến). (Ảnh: VnEconomy).

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay khai thác trong 9 tháng năm 2020 của các hãng hàng không giảm gần 40% so với cùng kì năm 2019. Cụ thể, tổng số chuyến bay của năm hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacifics, Vasco, Bamboo Airway đạt 159.808 chuyến.

Theo kế hoạch, Vietravel Airlines dự kiến khai thác vào đầu năm 2021 với số lượng ba tàu bay là A320, A321 và B737. Số tàu bay của hãng này sẽ khai thác tăng dần lên 8 chiếc trong thời gian 5 năm tiếp theo.

Chia sẻ với báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, với qui mô khai thác trong ba năm đầu là 3 - 6 tàu bay và đạt 8 tàu bay vào năm thứ 5, đội tàu bay của Vietravel Airlines chỉ chiếm từ 1,5 - 3% về số lượng trong giai đoạn 2021 - 2023, nên về tổng thể tác động không đáng kể, đảm bảo tính ổn định của thị trường.

Vietravel Airlines cũng đưa ra bốn phương án khai thác, tương đồng với các kịch bản khai thác thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.

Trả lời báo Giao thông, ông Kỳ cho biết, bản thân hoàn toàn tự tin về khả năng tài chính của Vietravel cũng như tương lai của Vietravel Airlines. 

Ngay cả việc Vietravel Airlines dự kiến lỗ trong năm đầu khai thác cũng là lỗ trong kế hoạch của hãng. Theo thời gian, mức độ lỗ sẽ giảm dần và tiến tới hòa vốn, có lãi. 

Theo Dự thảo Báo cáo giữa kì dự án lập Qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến năm 2019, Vietnam Airlines (bao gồm VASCO) có 105 chiếc, sở hữu 48, thuê khô 57 chiếc; Jetstar Pacific Airlines 18 chiếc, thuê khô 100%; VietJet Air 80 chiếc, sở hữu một chiếc; Hải Âu sở hữu bốn chiếc; Bamboo Airways tổng 22 chiếc, thuê khô 100%.

Có thể thấy, bài toàn khó mà "tân binh" Vietravel Airlines phải giải chính là trong những năm đầu hoạt động, hãng có dần chiếm được thị phần cho mình và có lãi không khi sở hữu số máy bay còn hạn chế, cùng với đó là khó khăn của thị trường trước tác động của đại dịch Covid-19. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.