Dự kiến cấp phép thành lập hãng bay mới từ năm 2022

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ dự kiến xem xét thành lập hãng hàng không mới từ năm 2022, khi thị trường hàng không phục hồi.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa kí văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về việc rà soát, xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lí nhà nước ở lĩnh vực này.

Dự kiến cấp phép thành lập hãng bay mới từ năm 2022 - Ảnh 1.

Dự kiến cấp phép thành lập hãng bay mới từ năm 2022. (Ảnh: Thanh Niên).

Bộ cho biết trên cơ sở đánh giá thực tiễn trong tình hình hiện nay, Bộ kiến nghị việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến là năm 2022.

Trước mắt, ngành hàng không sẽ tập trung phục hồi thị trường nội địa và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động và sẽ thành lập hãng bay sau khi thị trường được phục hồi.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất này được đưa ra sau khi cân nhắc tình hình ngành hành không trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19.

Cục Hàng không ước tính tổng thị trường vận chuyển năm 2020 giảm 46% so với năm 2019, đạt 42,7 triệu khách, và chỉ bằng một nửa so với mức dự báo ban đầu. Các hãng bay Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo.

Cục cũng đưa ra con số dự báo xa hơn, đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển ước đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo trước đó. 

Như vậy, theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.

Hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 tàu bay, nhưng với dự báo trước đây cho thấy sức tăng trưởng ngành ở mức cao, lên đến 384 tàu bay vào năm 2025.

 Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đến năm 2022, sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi mới thành lập hãng hàng không mới.

Kite Air và Vietstar Airlines có thể 2 năm nữa mới được bay

Vào tháng 4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, để đảm bảo tốt nhất quản lí nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.

Yêu cầu của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh ngành hàng không gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Như vậy, với quyết định mới nhất này, hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Tập đoàn Thiên Minh và Vietstar Airlines có thể phải thêm 2 năm nữa để có chuyến bay đầu tiên.

Riêng Vietravel Airlines, đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kí Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), với tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng. 

Sau nhiều đợt bổ sung nhân sự cấp cao, hiện hãng bay của Vietravel đã có bộ máy quản lí cấp cao hoàn thiện với Chủ tịch là ông Nguyễn Quốc Kỳ, ông Vũ Đức Biên giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Giữa tháng 5/2020, lãnh đạo Vietravel Airlines cho biết sẽ dồn lực hoàn thiện Giấy phép vận chuyển hàng không và Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay, để đủ điều kiện cất cánh vào nửa đầu năm sau, khi ngành hàng không được phục hồi.


chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.