Thủ tướng yêu cầu xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình hiện nay

Liên quan chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình hình hiện nay.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty CP Hàng không Thiên Minh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lí nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Thủ tướng yêu cầu xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình hiện nay - Ảnh 1.

Thiên Minh muốn thành lập hãng hàng không Cánh Diều. (Ảnh: TMG).

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều. 

Bộ này kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp, để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Theo hồ sơ đăng kí thành lập dự án, Thiên Minh cho biết vốn điều lệ của Kite Air là 1.000 tỉ đồng, "đại bản doanh" đặt tại Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam).

Thiên Minh dự kiến đến năm 2024 sẽ đầu tư tổng cộng 30 máy bay. Trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương. 

Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, Thiên Minh sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72. Số máy bay này sẽ tăng gấp đôi ngay trong năm thứ hai. Sang năm thứ ba, Thiên Minh dự kiến khai thác 15 tàu ATR72 và 5 tàu bay A320/A321.

Tiếp đó mỗi năm, Kite Air sẽ có thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương đi vào khai thác.

Quyết định khó khăn giữa mùa dịch

Giữa năm ngoái, Tập đoàn Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên đã thành lập Công ty CP Hàng không Thiên Minh. Theo giấy đăng kí kinh doanh, ông Kiên vừa là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và là cổ đông lớn tại doanh nghiệp chuyên về hàng không này.

Tham vọng gia nhập thị trường hàng không Việt Nam vào năm ngoái, không chỉ có Thiên Minh mà còn có Vingroup với thương hiệu Vinpearl Air và Vietravel với thương hiệu Vietravel Airlines. 

Thời điểm đó, hàng không Việt Nam đang được đánh giá rất nhiều tiềm năng cho các hãng bay mới, tuy nhiên, bước sang năm 2020, hàng không lại là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch Covid-19.

Theo ước tính của các hãng bay, thiệt hại đến thời điểm này sau đã lên hàng chục nghìn tỉ đồng. Thậm chí, Vietnam Airlines còn cho biết khó khăn sẽ tiếp tục đeo bám các hãng trong 4-5 năm tới sau đại dịch. Vì vậy, việc thành lập một hãng hàng không trong giai đoạn này có thể là một bài toán khó cho các doanh nghiệp.

Đầu tháng 4 này, Thủ tướng cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư, thành lập hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines, sau khi Vietravel hoàn tất thủ tục thành lập dự án từ năm ngoái.

Vietravel Airlines được chấp thuận chủ trương đầu tư giữa đại dịch Covid-19.  Đây là hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước, quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành. 

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.