Là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề khi “cơn bão” Covid-19 quét qua, song hàng không được dự báo sẽ là một trong những ngành có tốc độ hồi phục nhanh nhất sau dịch, dù mức tăng khó đạt kì vọng. Nếu hàng không hồi phục sớm, đây sẽ là động lực kéo theo nhiều lĩnh vực khác tăng tốc theo, từ du lịch, kinh tế dịch vụ tại nhiều địa phương.
Trước đó, Trung Quốc là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt tại nước này, thị trường hàng không Trung Quốc đã bắt đầu đà phục hồi với lượng khách nội địa tăng nhanh từng tuần.
Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, kịch bản tương tự có thể xảy ra với thị trường hàng không Việt Nam. Dù không thực sự lạc quan, song ông Nam cũng kì vọng dịch bệnh sẽ kết thúc vào tháng 5 (hết lây nhiễm chéo ngoài cộng đồng).
Tại Việt Nam, các biện pháp ngừng bay quốc tế và cắt giảm tối đa mạng đường bay nội địa đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và giảm bớt nguy cơ dịch bệnh thời gian qua. Ít nhất cho tới cuối tháng 4, việc khôi phục lại toàn bộ các đường bay nội địa chưa thể xảy ra, khi Cục Hàng không vừa “tuýt còi” các hãng hàng không lên kế hoạch bay trở lại trong giai đoạn 16 - 30/4.
Đại diện một hãng hàng không cho biết vẫn duy trì tối thiểu 1, 2 chuyến bay mỗi ngày theo sự cho phép của Cục Hàng không, và chưa có kế hoạch tăng chuyến trong trước mắt. Song để chuẩn bị cho đà phục hồi của thị trường khi dịch được khống chế thành công, hãng này đã lên các kế hoạch và tung ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu lớn đón đầu nhu cầu đi lại của khách hàng.
Giữa tháng 3, khi các đường bay nội địa vẫn còn được duy trì, Cục Hàng không đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho ngành hàng không.
Theo đó, trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trước tháng 4, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với 2019. Kịch bản xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với 2019.
Tuy nhiên, các chỉ số dự báo này hiện đã xấu hơn rất nhiều cách đây 1 tháng với đà giảm mạnh hơn.
Hiện, dù dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế và phần lớn nội địa, nhưng các hãng hàng không vẫn phải gồng gánh từ vài trăm tỉ đến hàng nghìn tỉ đồng mỗi tháng để duy trì hoạt động, như tiền thuê, mua máy bay, tiền thuê sân đỗ, lãi suất ngân hàng... Các hãng đang phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, cạn kiệt tiền dự trữ, phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Câu hỏi đặt ra, là với thiệt hại vài chục nghìn tỉ đồng toàn thị trường, trong trường hợp sau dịch, các hãng hàng không còn đủ nguồn lực để chớp cơ hội thị trường phục hồi không?
Câu chuyện từ Trung Quốc cũng cho thấy dù thị trường hàng không nội địa nước này phục hồi khá nhanh sau dịch, nhưng các tuyến bay quốc tế vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và nhu cầu du lịch nội địa, quốc tế cũng khó phục hồi nhanh trở lại do người dân còn e ngại.
Để trợ lực cho khả năng “phục hồi mong manh” này, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không toàn cầu sẽ cần tới 200 tỉ USD hỗ trợ từ chính phủ các nước. Nếu không có sự trợ lực này, đa số các hãng hàng không sẽ phá sản vào cuối tháng 5 năm nay.
Báo cáo Chính phủ hôm 8/4, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị hàng loạt biện pháp để “cứu” ngành hàng không, như cho phép giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) trong năm 2020, hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch.
Với các hãng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị miễn hoặc giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay. Áp dụng chính sách giảm 50% giá cất hạ ánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa từ 1/3 đến hết 31/8. Đồng thời, cho phép áp dụng mức giá dịch vụ tối thiểu 0 đồng để các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có thể giảm giá cho các hãng hàng không...
Theo PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), không chỉ hàng không mà người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống. Cũng tương tự như "lò xo bị nén lại", với các giải pháp hỗ trợ kịp thời, sự phục hồi của hàng không sẽ đóng vai trò kết nối và “đòn bẩy” quan trọng cho nhiều ngành nghề khác sau dịch.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020