Thương hiệu Jetstar Pacific có thể sẽ bị 'xoá sổ'?

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) đang đẩy nhanh cơ hội tái cơ cấu lần 3, dự kiến diễn ra sau đại dịch Covid-19. Hiện tại, hai cổ đông lớn nhất là hãng hàng không Qantas (Úc) và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang xúc tiến hoàn tất việc chuyển giao toàn bộ 30% cổ phần của Qantas tại JPA cho Vietnam Airlines, để Qantas chính thức rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau 13 năm hợp tác.
Thương hiệu Jetstar Pacific có thể sẽ bị 'xoá sổ'? - Ảnh 1.

Cái tên Jetstar Pacific sẽ không còn nữa sau cuộc tái cơ cấu lần thứ 3? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Qantas "bàn giao" 30% cổ phần tại JPA cho Vietnam Airlines 

Ngày cuối tháng 3/2020, JPA thực hiện chuyến bay cuối giữa Hà Nội - TPHCM trước khi tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, về hạn chế các chuyến bay nội địa để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 1/4, các hãng hàng không sẽ chỉ được phép khai thác trên 3 đường bay (khứ hồi) là Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đà Nẵng. 

Cụ thể, đường bay Hà Nội - TPHCM (và ngược lại) mỗi ngày sẽ có 2 chuyến bay; ngày lẻ do Bamboo Airways và Jetstar Pacific khai thác, và ngày chẵn do Vietnam Airlines và Vietjet Air đảm nhận. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đà Nẵng sẽ do Vietnam Airlines và Vietjet khai thác đan xen.

Thế nhưng, từ ngày 1/4, khi các hãng khác duy trì tỉ lệ mỗi ngày/chuyến bay nội địa thì JPA vẫn chưa bay thêm chuyến nào. Đây cũng có thể là chuyến bay cuối của hãng dưới tên gọi này, để chuẩn bị cho đợt tái cơ cấu mạnh kể từ ngày 30/6 tới.

Theo thông tin của TBKTSG Online, trong nhiều tháng qua, hai cổ đông lớn nhất của JPA là Vietnam Airlines (chiếm 68,85% vốn) và Qantas Asia Investment Company của Singapore (chiếm 30% vốn) đã tiến hành nhiều cuộc họp bàn, để đi đến những quyết định quan trọng cho đợt tái cơ cấu lần 3 của JPA, kể từ 15 năm thành lập đến nay. 

Điều bất ngờ lớn nhất là Qantas Asia đang xúc tiến đến phương án bàn giao lại 30% số cổ phần mà hãng đã mua lại của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ năm 2007, cho Vietnam Airlines, mà không kèm theo điều kiện về thu hồi phần vốn góp sau 13 năm. 

Điều kiện đang được bàn tới là việc rút lui của Qantas sẽ diễn ra nhanh chóng, ngay từ 30/6 tới.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa có được sự thống nhất cuối cùng về thời hạn chuyển giao, nên tiếp tục bàn. Phía Vietnam Airlines cũng sẽ tiếp tục có những cuộc họp trước khi thống nhất trình phương án tiếp nhận lên Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước (CMSC).

Nếu việc chuyển giao lại 30% cổ phần từ đối tác Qantas cho Vietnam Airlines đạt được sự đồng thuận cuối cùng giữa hai bên, thì Qantas (Úc), công ty mẹ của Qantas Asia, sẽ rút lui hoàn toàn khỏi JPA sau 13 năm góp vốn không suôn sẻ.

Năm 2007, đối tác Úc mua lại cổ phần của JPA từ SCIC, với định hướng phát triển hãng hàng không giá rẻ tại thị trường nội địa. Nhưng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, chi phí nhiên liệu bay ngày càng tăng, cộng thêm đội tàu bay cũ trên 15 năm tuổi, sự hạn chế về tổ chức hoạt động, nên JPA lỗ liên tục. Tổng lỗ lũy kế 2005-2011 của hãng lên đến 2.100 tỉ đồng.

Đến cuối 2011, JPA đứng trên bờ vực phá sản khi ngập trong khó khăn, mất khả năng thanh toán, với vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỉ đồng, lỗ lũy kế gần 2.500 tỉ đồng. Để vực dậy hãng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại SCIC từ đầu 2012, và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai.

Tại thời điểm đó, Vietnam Airlines cùng cổ đông Qantas đã tiến hành đàm phán, để kí lại thỏa thuận về các hợp đồng thương mại, vốn góp, xây dựng định hướng và tái cơ cấu toàn diện JPA. Vietnam Airlines cử các lãnh đạo sang điều hành, cùng các đại diện của Qantas nắm giữ các chức vụ giám đốc tài chính, giám đốc khai thác, giám đốc kĩ thuật...

Vietnam Airlines với vai trò cổ đông lớn, đã tham gia tái cơ cấu mạnh JPA trên định hướng: “Thương hiệu kép” (hàng không truyền thống đi kèm với hàng không giá rẻ - LCC). 

JPA phải chịu chi phí tái cấu trúc đội bay lên đến 355 tỉ đồng, để chuyển đổi. Và năm 2014, lần đầu tiên hãng cân đối được thu chi. 

Năm 2015, lãi 112,4 tỉ đồng. Sang năm 2016, JPA tăng lỗ nhiều so với kế hoạch. Sang 2017, Vietnam Airlines tiến hành rà soát toàn bộ hoạt động của JPA trong hoạt động chung của Vietnam Airlines Group, khiến cho hiệu quả của JPA dần được cải thiện.

Năm 2017, giảm lỗ 561 tỉ đồng so với năm 2016. Năm 2018 lãi 34,3 tỉ đồng. Hiện tại, chưa có Báo cáo tài chính 2019 của Vietnam Airlines được công bố, để biết được JPA có đạt được mục tiêu đề ra hay không.

Tuy nhiên, sự rút lui dần của cổ đông Qantas trong 2 năm gần đây, và các cuộc đàm phán liên tục giữa hai bên trong những tháng qua, đã cho thấy khả năng Vietnam Airlines dành quyền kiểm soát toàn bộ JPA đang dần trở thành hiện thực.

Cái tên Jetstar Pacific Airlines sẽ không còn?

Vấn đề đặt ra là nếu Qantas rút lui toàn bộ, thì số phận của JPA sẽ theo hướng nào?

Đến thời điểm này, chưa có quyết định cuối cùng về tương lai của JPA. Phía Qantas, khi rút hết khỏi thị trường Việt Nam, đồng nghĩa với việc sẽ bàn giao lại cho đối tác kế thừa nguyên trạng toàn bộ nghĩa vụ về nợ, lỗ lãi và toàn bộ bộ máy nhân sự, tài sản... 

Đại dịch Covid-19 đã khiến mong muốn chuyển giao của Qantas thực hiện nhanh hơn dự kiến.

Nghĩa là Vietnam Airlines sẽ tiếp quản đội bay gồm 15 máy bay A320 đi thuê của 5-6 nhà cung cấp, đội ngũ nhân viên hiện tại khoảng 2.200 người, cộng số lỗ lũy kế đến hết 2018 hơn 4.200 tỉ đồng.

Thực ra, ngay từ tháng 6/2019, Vietnam Airlines đã lên các kế hoạch cùng cổ đông tái cơ cấu quyết liệt JPA toàn diện, đặc biệt là phương án tái cơ cấu tài chính, tăng vốn điều lệ, khắc phục những tồn tại của hệ thống bán, để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiện chưa biết, sau khi nhận bàn giao nguyên trạng, Vietnam Airlines sẽ xóa bỏ hay giữ lại thương hiệu JPA, nhưng nhiều khả năng sẽ thay thế tên gọi này bằng một tên gọi mới hoàn toàn, củng cố bộ máy điều hành. 

Mô hình hoạt động của JPA sau tái cơ cấu đang được bàn đến, là tiếp tục công ty con của Vietnam Airlines nhưng hoạt động theo mô hình American Eagle, hãng hàng không chi nhánh cho American Airlines. Vietnam Airlines sẽ chi phối toàn bộ hoạt động của hãng sau cải tổ, đặt hàng bằng các hợp đồng chở khách cho công ty mẹ trong thời gian dài. Các quyền lợi của khách hàng đã kí với JPA, ví như mua vé trả trước, sẽ được hãng mới kế thừa thực hiện.

Nếu những kế hoạch nêu trên đi đến thống nhất, thị trường hàng không Việt Nam sẽ chứng kiến hãng bay đầu tiên cải tổ mạnh dưới hình thức xóa sổ mô hình cũ, để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngay sau đại dịch Covid-19.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.