So sánh bối cảnh kinh tế năm 2008 và 2020, cú sốc dịch bệnh chỉ là ngắn hạn

Trong hơn một thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi theo nền tảng ổn định và vững chắc hơn nhiều.
So sánh bối cảnh kinh tế năm 2008 và 2020, cú sốc dịch bệnh chỉ là ngắn hạn - Ảnh 1.

Bước vào năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu và tác động lớn đến nền kinh tế. Những điều này khiến giới tài chính lo lắng về một cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm.

So sánh các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2008 và 2020 có thể thấy hiện kinh tế Việt Nam đang có sự ổn định, vững chãi hơn nhiều so với năm 2008.

Thị trường chứng khoán vẫn duy trì sự ổn định và có sự hấp dẫn hơn so với các kênh tiền gửi, trái phiếu. Mặt bằng lãi suất tiền gửi, lợi suất trái phiếu hiện nay không hấp dẫn, và không có lợi thế so với kênh đầu tư chứng khoán. Đây là khác biệt lớn so với năm 2008, điều này giúp dòng tiền vẫn có thể duy trì trong thị trường chứng khoán.

So sánh bối cảnh kinh tế năm 2008 và 2020, cú sốc dịch bệnh chỉ là ngắn hạn - Ảnh 2.

Nguồn: BVSC, NCĐT.

Sự khác biệt giữa năm 2007, 2008 với năm 2020 có thể nhìn thấy ở rất nhiều chỉ số vĩ mô, sự vận hành của nền kinh tế, của thị trường.

Năm 2007, tăng trưởng tín dụng lên tới trên 50%, nhưng ngay sau đó nửa đầu năm 2008, Chính phủ lại phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát. Lạm phát năm 2007 lên tới 12,63%, và có những tháng năm 2008 chỉ số lạm phát lên tới trên 20%.

So sánh bối cảnh kinh tế năm 2008 và 2020, cú sốc dịch bệnh chỉ là ngắn hạn - Ảnh 3.

Nguồn: BVSC.

Năm 2008, chỉ riêng lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn lên tới 15%/năm, lãi suất cơ bản cũng đã 14%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động thực tế duy trì ở mức cao, lợi suất trái phiếu 2 năm và 5 năm nhiều thời điểm lên tới trên 20%.

Còn những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng luôn được kiểm soát ở mức quanh 14%, các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỉ giá, mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát và ở mức thấp. Thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng ở trạng thái dồi dào.

Bên cạnh đó, so với năm 2008, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ năm 2020 thông qua gói giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp; giãn thuế, giảm tiền thuê đất; gói an sinh xã hội; gói giảm giá xăng dầu, giá điện... cũng được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng hơn.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ vẫn còn dư địa để thực hiện thêm các gói chính sách hỗ trợ nền kinh tế khi cần thiết.

Nhìn lại bối cảnh kinh tế, thị trường chứng khoán năm 2008, so sánh với năm 2020 để thấy thị trường chứng khoán năm nay sẽ diễn biến ổn định hơn nhiều, những cú sốc giảm do tin tức dịch bệnh, do giải chấp chỉ là diễn biến trong ngắn hạn.

So sánh bối cảnh kinh tế năm 2008 và 2020, cú sốc dịch bệnh chỉ là ngắn hạn - Ảnh 4.

Nguồn: BVSC.

Sự ổn định hệ thống ngân hàng, của chỉ số vĩ mô, sức khỏe của các doanh nghiệp, và sự hấp dẫn về định giá của thị trường chứng khoán, là cơ sở để tin rằng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ổn định trở lại và không còn giảm sốc như thời gian qua. Diễn biến ngắn hạn của thị trường vẫn chịu tác động lớn của các kịch bản, thời gian kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là mặc dù bối cảnh vĩ mô năm 2020, về cơ bản ở trạng thái ổn định và tích cực hơn so với năm 2008 nhưng quy mô nợ lại đang ở mức lớn hơn nhiều, thể hiện qua tổng dư nợ tín dụng/GDP đã đạt 130%; hay quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục gia tăng trong 3 năm gần đây. Trên cơ sở đó, nếu dịch bệnh kéo dài, đây có thể sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán trong năm 2020.

Theo BVSC, diễn biến suy giảm tăng trưởng kinh tế do dịch Covid-19 lần này khác khủng hoảng năm 2008.

So sánh bối cảnh kinh tế năm 2008 và 2020, cú sốc dịch bệnh chỉ là ngắn hạn - Ảnh 5.

Nguồn: BVSC, NCĐT.

Năm 2020 sẽ có nhiều ngành chịu tác động tiêu cực hơn, mức độ tác động tiêu cực là tức thì, và đồng loạt. Đợt suy giảm này các doanh nghiệp chịu tác động đồng thời cả đầu ra và đầu vào, cùng với sự đứt gãy về doanh thu, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền khiến tổn thương trong ngắn hạn lớn.

Nhưng mặt khác, sự gián đoạn này sẽ diễn ra nhanh, chưa cần thiết phải có những thay đổi mang tính cấu trúc hệ thống, nên sự hồi phục sau khi kiểm soát dịch bệnh có thể sẽ diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, cú sốc về thiếu hụt dòng tiền còn cảnh báo, thanh lọc những doanh nghiệp yếu, dựa chính vào dòng tiền vay để duy trì hoạt động.

Thống kê lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết tại cả hai sàn HOSE và HNX năm 2008, BVSC nhận thấy lợi nhuận sau thuế của nhiều ngành đã sụt giảm -5% so với năm 2007. Tuy nhiên, nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ mà lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh trong cả năm 2009 và 2010.

Mặc dù, quy mô thị trường, quy mô doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay có sự khác biệt rất lớn so với năm 2008, tuy nhiên sự thích ứng của các doanh nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn và có được mức tăng trưởng còn ấn tượng hơn sau đó - như đã từng diễn ra trong năm 2008, 2009.

Với các chính sách tài khóa, tiền tệ Chính phủ đã triển khai là cơ sở đề kì vọng doanh nghiệp sẽ có được dòng tiền vượt qua giai đoạn khó khăn ngắn hạn trước mắt, để lấy lại đà tăng trưởng trong năm tiếp theo.


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.