‘Phục hồi kinh tế nhưng phải sẵn sàng sống chung với dịch’

Chủ tịch VCCI cho rằng trong thời kì phục hồi cũng cần tính đến việc "sống chung với dịch", bằng cách kinh doanh an toàn, hướng tới duy trì nền kinh tế, bảo đảm công ăn việc làm.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ với Zing về câu chuyện phục hồi kinh tế. Ông kiến nghị cần sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch, vì chưa biết khi nào mới kết thúc. Khi đó, phải làm sao vừa duy trì được nền kinh tế một cách khéo léo, vừa có thể phòng và chống dịch.

Mở đầu, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nỗ lực của các bộ ngành, địa phương rất đáng được trân trọng, nhưng kết quả còn chưa được như mong muốn. Ông nhận định trên trận tuyến chống đỡ dịch bệnh, thì có thể yên tâm, nhưng trong hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta không thể không quan ngại.

Quan ngại vì việc thực hiện các chủ trương chính sách là Chỉ thị 11 và 16 của Thủ tướng còn chậm và thiếu nhất quán. Vì nếu đã xác định phải thực hiện nhiệm vụ kép chống dịch là ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng, thì dường như việc hỗ trợ doanh nghiệp đã chưa được triển khai quyết liệt, rốt ráo như chống dịch và vẫn có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu.

Kinh doanh an toàn

Ông lấy ví dụ việc Thủ tướng yêu cầu “không được ngăn sông, cấm chợ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh”. Chính phủ cũng chủ trương giãn, hoãn, giảm thuế, bơm tín dụng, giảm thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có địa phương vẫn phát lệnh “cấm sản xuất”, “đóng cửa công trường”, ngăn không cho xe chở nguyên vật liệu và lao động ra vào tỉnh, thành… gây ách tắc cho sản xuất.

Khái niệm sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng được hiểu rất khác nhau. Sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu không thể nào quan niệm chỉ bao gồm khâu lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm cuối cùng, mà còn bao gồm cả khâu sản xuất nguyên, nhiên vật liệu, dán nhãn, bao bì…

‘Phục hồi kinh tế nhưng phải sẵn sàng sống chung với dịch’ - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI cho rằng cần phải thực hiện kinh doanh an toàn, sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch. (Ảnh: Việt Hùng).

“Ai bảo sản xuất chip điện tử là không thiết yếu khi linh kiện này là thành tố không thể thiếu để sản xuất các thiết bị y tế hiện đại, phục vụ cho chữa trị Covid-19? Ai bảo nhà máy sản xuất bìa carton là không thiết yếu, phải ngừng sản xuất, khi nếu không có bao bì thì lấy gì đóng gói máy trợ thở đến với các bệnh nhân?”, ông đặt câu hỏi và nhấn mạnh tất cả đều liên quan trong nguyên lí sản xuất chuỗi.

Chủ tịch VCCI kiến nghị dù không thể mất cảnh giác, lơ là trước dịch bệnh, nhưng vẫn mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà xét, dỡ bỏ ngay các quy định bất hợp lí để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, trừ những ngành phải dừng do yêu cầu chống dịch như hàng không, nhà hàng, du lịch…

Ông Lộc cũng nhấn mạnh sau hoạt động của doanh nghiệp là tăng trưởng, thu ngân sách, công ăn việc làm, nguồn bảo đảm an sinh, xã hội. Hiện không ai có thể biết được bao giờ hết dịch. Do đó, phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”.

“Phục hồi kinh tế nhưng phải sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch. Thực hiện kinh doanh an toàn trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch”, ông nói.

Chủ tịch VCCI cũng đề xuất để trợ giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này, Chính phủ cần ban hành ngay danh mục các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị.

Từ đó có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng được thông suốt ngay cả trong trường hợp phải siết chặt thêm các biện pháp cách li hay phong tỏa.

Hiện đã có danh mục mặt hàng thiết yếu theo quan niệm truyền thống rất hẹp, không còn phù hợp, cần phải sửa đổi ngay. Ông cũng đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp kịch bản xử lí, cách li khi có người lao động hoặc khách hàng bị lây nhiễm Covid-19, hạn chế đến mức cao nhất việc phải ngừng việc đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp hay doanh nghiệp khi chưa thật cần thiết.

Cứu doanh nghiệp lớn

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành, ông Lộc đánh giá là phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng. Các biện pháp giúp doanh nghiệp hạ được giá thành, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể cầm cự hay “ngủ đông”.

Khi dịch bệnh kéo dài hơn, thì kịch bản “giải cứu” sẽ cần được triển khai. Lúc đó, trọng tâm là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của Nhà nước. Thậm chí Nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, để tránh đổ vỡ dây chuyền.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng cần thiết”, ông Lộc đề xuất.

‘Phục hồi kinh tế nhưng phải sẵn sàng sống chung với dịch’ - Ảnh 2.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Đức Phạm).

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng định hướng chính sách cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh. Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh.

Các ngân hàng thương mại tự mình có thể phân loại và xác định khá chính xác các đối tượng này để định hướng phân bổ nguồn tín dụng. Hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng sẽ không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ khi dịch bệnh mà còn định hình tương lai của nền kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề xuất lúc này cần thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường trong nước quy mô 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu bùng nổ. Do đó ông đề nghị phát động một đợt cao điểm phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kéo dài ít nhất từ nay cho đến hết những tháng cuối năm.

Cuối cùng, ông mong muốn Chính phủ có “cuộc chiến” để chống suy thoái. Sự phối hợp, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ quyết định thắng lợi.

“Tôi đề nghị Chính phủ cho thành lập ngay ban chỉ đạo và tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch”, ông nói.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.