Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
"Hôm nay, chúng ta nói về doanh nhân nhưng không chỉ là doanh nhân mà còn là số phận, vận mệnh của dân tộc, đất nước. Ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào, việc tạo lập cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân cũng là quan trọng nhất. Dân không giàu thì đất nước không thể mạnh, mà không mạnh thì không thể tự chủ được”. Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại toạ đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc do Reatime tổ chức.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đất nước Việt Nam có truyền thống kinh doanh rất yếu. Hình ảnh doanh nhân khá xấu, không đẹp trong tiềm thức của người Việt Nam. Thậm chí doanh nhân bị coi là tiểu nhân, không được coi trọng.
“Kho tàng phản ánh đời sống kinh doanh xã hội chỉ có 2 câu chuyện nói về doanh nhân thôi, nhưng đều là những câu chuyện xấu. Trong Truyện Kiều, doanh nhân là hình ảnh phá hoại gia đình Thuý Kiều. Còn doanh nhân trong thời kỳ kế hoạch hóa sản xuất tập trung thì bị coi là con buôn con phe. Tuy nhiên, nếu không có họ thì chúng ta sẽ không thể duy trì cuộc sống với những nhu yếu phẩm bình thường”, ông Lộc dẫn chứng.
Ôn Vũ Tiến Lộc cho rằng nhận thức của cộng đồng về người giàu, về doanh nhân cần phải thay đổi: “Kỳ thị người làm giàu là thất bại của dân tộc”.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết hiện Việt Nam có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh, về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Theo ông Lộc, chính lực lượng này đã và đang đồng hành cùng chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa đất nước trở nên hùng cường.
Nói về sự ra đời của "Ngày Doanh nhân Việt Nam" (13/10), ông Vũ Tiến Lộc cho biết đây chính là ngày Công thương đoàn được thành lập. Đây là tổ chức đầu tiên tập hợp các nhà tư sản dân tộc sau Cách mạng tháng Tám.
“Chính trong ngày thành lập Công thương đoàn, Bác Hồ đã nói ‘nền kinh tế quốc dân thịnh vượng chính là nền công thương thịnh vượng. Chính phủ và tôi sẽ tận tâm xây dựng thị trường để phát triển giới doanh nhân”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần một đội ngũ đổi mới, sáng tạo, luôn phải hiểu và định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo.
“Giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy, yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp thông qua cải cách thể chế và môi trường kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.