Cụ thể, bà Thảo đang đứng thứ 959 trong danh sách tỉ phú tính theo thời gian thực của tạp chí Forbes. Tài sản ròng của CEO Vietjet được tạp chí này ghi nhận là 2,5 tỉ USD.
Xét riêng nữ giới, bà là người giàu có thứ 115 trên thế giới. Còn riêng nữ giới của châu Á, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người giàu có thứ 25 của châu lục. Bà chủ Vietjet là người phụ nữ tự lập giàu có nhất Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ tự lập giàu có nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Forbes).
Bà Thảo lần đầu tiên lọt vào danh sách tỉ phú của tạp chí Forbes vào tháng 3/2017. Lúc bấy giờ, Forbes ghi nhận mức tài sản của bà là 1,2 tỉ USD. Một năm sau đó, bà lập kỉ lục về khối tài sản theo ghi nhận của Foebes, với 3,1 tỉ USD, mức tài sản cao nhất kể từ khi lọt vào danh sách này.
Đến tháng 3 năm nay, 2019, tài sản của bà vơi đi còn 2,3 tỉ USD sau những biến động của thị trường. Khối tiền này đem đến cho bà vị trí thứ 1.008 trong danh sách.
Như vậy, tuy tài sản ròng của bà chủ Vietjet giảm đi so với tháng 3/2018, nhưng thứ hạng của bà tăng hơn trước. Nguyên nhân đến từ việc tài sản của nhiều vị tỉ phú trên thế giới bị giảm sút, có người giảm tới gần nửa tỉ USD.
Cuối tháng 9, bà Nguyễn Thị Phương Thảo góp mặt trong danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2019 của Forbes châu Á.
Tạp chí uy tín này tuyên dương bà làm nên lịch sử trong ngành hàng không thế giới khi là người phụ nữ duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại lớn. Forbes châu Á dành hẳn một câu hoa mỹ cho CEO Vietjet: "Bà là gương mặt điển hình cho nhóm những nữ doanh nhân quyền lực, những người bất chấp định kiến và phá vỡ mọi rào cản".
Hãng hàng không của bà, được thành lập năm 2007, giờ lớn mạnh hơn cả hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tính theo lượng vận tải hành khách. Chỉ từ một số ít các tuyến nội địa khi ra mắt, Vietjet đã dần mở rộng tới 80 máy bay phục vụ 120 điểm đến. "Chiến lược của chúng tôi là mở rộng ra bất kì thị trường khu vực nào trong bán kính 2.500 km. Vì vậy chúng tôi có thể tạo ra mạng lưới phục vục một nửa dân số thế giới", bà nhấn mạnh.
Vietjet đang theo đuổi tham vọng phục vụ một nửa dân số thế giới. (Ảnh: Vietjet).
Tính đến năm 2018, Vietjet vận chuyển 23 triệu hành khách, chiếm 46% thị trường hàng không của Việt Nam. Con số này bằng một nửa trong 44 triệu hành khách AirAsia, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á, được vận chuyển vào năm ngoái. Vietjet đã tăng trưởng nhanh hơn cả hãng vận chuyển giá rẻ của Malaysia.
Doanh thu của Vietjet đã tăng 27% lên 2,3 tỉ USD trong năm 2018, trong khi doanh thu của AirAsia chỉ tăng 9% lên 2,5 tỉ USD. Năm nay, Vietjet dự kiến sẽ tăng nhanh hơn nữa, cán mốc 30 triệu hành khách, tăng 30% so với năm ngoái. Bà Thảo cho biết: "Chúng tôi định vị Vietjet là một hãng hàng không khu vực và quốc tế ngay từ đầu".
Ngoài ra, danh sách tỉ phú theo thời gian thực của Forbes có sự thay đổi đáng chú ý về thứ hạng của ông Phạm Nhật Vượng. Cuối tháng 7 vừa qua, ông chủ Vingroup lọt top 200 người giàu nhất hành tinh, đứng vị trí 194 với khối tài sản 8,25 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đã mất đi 250 triệu USD. Vì thế, vị trí của ông trong danh sách hiện giờ là 202.
Theo danh sách của Forbes, Việt Nam hiện có 5 tỉ phú USD tự thân, là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương (THACO, sở hữu 1,7 tỉ USD), ông Hồ Hùng Anh (Techcombank, sở hữu 1,6 tỉ USD) và ông Nguyễn Đăng Quang (Masan, sở hữu 1,3 tỉ USD).
Trong số 5 tỉ phú đô la của Việt Nam, chỉ có bà Thảo đang tăng khối tài sản. (Đồ họa: Tất Đạt).