Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch Đầu tư yêu cầu các địa phương cần đánh giá về tăng trưởng kinh tế với các chỉ tiêu như tổng sản phẩm trên địa bàn, thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, khách du lịch…
Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với các nội dung như số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã giải thể, tạm dừng hoạt động, tình hình huy động vốn, trả lương cho người lao động, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm…
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đánh giá đời sống người dân (tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm, giá cả một số mặt hàng thiết yếu…), công nhân và người lao động (số lượng người lao động mất việc, tạm ngừng việc, giảm lương, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp…), các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng (số lượng đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có công với cách mạng cần hỗ trợ…).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương cần đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, trọng tâm là chỉ đạo quyết liệt việc triển khai, thi công, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân ngay các nguồn vốn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Các địa phương cần nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là đầu tư công...
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hoặc đề xuất cơ chế tổng hợp và chia sẻ thông tin về các đối tượng bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội quý I ước tăng 3,72%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nguyên nhân phần lớn là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự, tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của Hà Nội.
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành, để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Kịch bản 1 là dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng, quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Kịch bản 2 là dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt phá, tăng trường cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.
Kịch bản 3 là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 4-5%).
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020