Cần tháo gỡ nút thắt về vốn cho khu vực kinh tế tập thể

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang ngày càng chuyển dịch về chất lượng và quy mô. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc mà các hợp tác xã đang gặp phải là khó tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, vốn vay ưu đãi.

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã diễn ra chiều ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, những khó khăn này càng trở nên thách thức, do đó, Chính phủ cần xác định đúng hướng đi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong năm 2023.

Chưa phát triển như mục tiêu đề ra

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, trong năm 2022, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30.000 hợp tác xã, tăng hơn 2.000 hợp tác xã, tương ứng 7% so với năm 2021; 125 liên hiệp hợp tác xã, tăng 18 đơn vị, tương ứng khoảng 17% so với năm 2021 và 71.000 tổ hợp tác. Các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay, cả nước có hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong năm 2022 có 1.246 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chất lượng và quy mô hợp tác xã đang ngày càng tăng lên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng phát triển hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu bền vững, phát triển hợp tác xã theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, hiện gần 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, nhất là vùng núi phía Bắc. “Mô hình này sẽ giải quyết bài toán sản xuất manh mún, tiến tới quy mô sản xuất lớn”, ông Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khu vực kinh tế tập thể đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Khu vực này có nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng nội tại của Đảng, Nhà nước, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình hoạt động còn lỏng lẻo, trình độ quản lý hợp tác xã còn hạn chế.

Hai nguyên nhân chính được Bộ trưởng Dũng chỉ ra, là khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19, cũng như các biến động thị trường, nguồn vốn, tài sản, chậm chuyển đổi số. Bên cạnh đó, là cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ chưa hợp lý so với tính chất của mô hình tại Việt Nam.

"Phong trào hợp tác xã gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; bất ổn chính trị leo thang; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước", Bộ trưởng nói.

Không những thế, là cơ quan thường trực cấp Trung ương, nhưng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gặp khó khăn về nhân sự khi đa số thành viên đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Ngoài ra, hầu hết các tỉnh, thành phố chưa có bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam thì cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng trong những năm qua.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm, đóng góp vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định. Thêm vào đó, nhiều hợp tác xã chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cần tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay

Năm 2023, cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển khu vực kinh tế tập thể, vốn được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20 ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ.

Để thực hiện những nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đề ra một số giải pháp; trong đó, có việc xây dựng, quảng bá Top 300 hợp tác xã điển hình hàng năm. Đây là cơ sở để các hợp tác trên cả nước được truyền cảm hứng về các cách làm hay để nâng cao năng lực, thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai hiệu quả các đề án đã ban hành như: Đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ chế biến và tiêu thụ giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển hợp tác xã thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Một trong những điểm được cho là "nghẽn" trong việc phát triển hợp tác xã, là nguồn vốn. Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quỹ tín dụng nhân dân xuống 10%, miễn thuế lợi tức vốn góp của thành viên.

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gỡ nút thắt về nguồn vốn cho các hợp tác xã; trong đó, có việc xem xét hiệu quả của phương án kinh doanh; đồng thời, các Bộ ngành cần rà soát lại các văn bản, chính sách hỗ trợ, bổ sung cụm từ hợp tác xã để khu vực này dễ dàng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ...

Trước những phản ánh khó khăn tiếp cận vốn đối với khu vực hợp tác xã, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có hợp tác xã. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với những năm vừa qua là 14-15% và có thể điều chỉnh linh hoạt.

Thống kê từ các hệ thống ngân hàng đang cho khoảng 1.200 hợp tác xã vay, với dư nợ 6.300 tỷ đồng, chưa kể các cá nhân và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp vay. "Đây là những con số rất lớn về việc tạo điều kiện cho hợp tác xã và hộ gia đình vay phát triển kinh tế nông nghiệp", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi có Điều 83 quy định cho vay nội bộ; trong đó, có khoản định nghĩa cho vay nội bộ và điều kiện để hợp tác xã cho vay nội bộ. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa câu chuyện cho vay nội bộ vào Luật hợp tác xã sửa đổi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nên tháo gỡ vướng mắc để các hợp tác xã quy mô nhỏ có thể sử dụng được nguồn vốn tín dụng nội bộ. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đào tạo giám đốc hợp tác xã nông nghiệp, sau đó, sẽ cấp chứng chỉ nghề giám đốc hợp tác xã.

"Nhiều giám đốc hợp tác xã có kinh nghiệm nhưng kiến thức còn hạn hẹp, cũng như nhiều bạn trẻ xung phong về làm hợp tác xã cũng cần được học nghề giám đốc hợp tác xã ", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, khu vực hợp tác xã đang có vai trò lớn trong việc đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng thực phẩm với giá cả ổn định trong thời gian qua.

"Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và góp phần kiểm soát lạm phát tốt. 3 năm vừa qua, kiểm soát tốt lạm phát là do giá lương thực thực phẩm ổn định, điều này có vai trò của các hợp tác xã . Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ để khu vực hợp tác xã tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay ưu đãi”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.