Trước Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối tuần này về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã có một số ý kiến trao đổi, báo cáo về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp Việt hiện nay.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Thống kê của VCCI cho biết đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản thời gian qua, và dự báo con số này vẫn chưa dừng lại.
"Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỉ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỉ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới", ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cho biết theo một kết quả khảo sát nhanh vừa được triển khai cuối tháng 3, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.
Cụ thể, có tới gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh; trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.
Đến 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 bị sụt giảm so với năm 2019. Có 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
Đáng chú ý, cũng theo khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được khoảng 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Hơn 75% doanh nghiệp cho biết sẽ phải thu hẹp quy mô lao động, và tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay.
"Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, nên đất nước đang đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu.
Vì vậy, hiện nay, những doanh nghiệp lớn đang "đứng mũi chịu sào" cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh.
Kết quả khảo sát của VCCI cho biết hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp để ứng biến, thích nghi.
Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà.
Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, và 21% doanh nghiệp phải cắt giảm lương để không giảm lao động.
Dù cho rằng biện pháp của các doanh nghiệp rất trách nhiệm, nhưng Chủ tịch VCCI nhận định: "Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc, khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm đầu tháng 4, VCCI đã họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, nắm bắt đề xuất, kiến nghị tiếp theo của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI kiến nghị với Thủ tướng một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, ông đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách li, phong tỏa.
"Hiện nay, mặc dù đã có quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo Luật giá, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên các địa phương đang có cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, như không cho phép lưu thông hàng hóa", Chủ tịch VCCI nhận định.
Về chính sách tài khóa, ông Lộc đề nghị cho thực hiện ngay tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…
Nguyên nhân là trong khi chờ chính sách cụ thể vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng của các bộ ngành còn chậm, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng.
Bên cạnh giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí, VCCI đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ.
Đề nghị giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Về chính sách tín dụng, lãnh đạo VCCI đề nghị ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, các doanh nghiệp đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.
VCC cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, do trên thực tế các ngân hàng thương mại thực hiện khác nhau.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020