Tháng 5 là giai đoạn kết thúc lệch giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát khi đến nay đã gần 50 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, nên kinh tế bắt đầu được khởi động lại.
Tổng cục Thống kê cho biết, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, tình hình đăng kí doanh nghiệp trong tháng 5 có sự khởi sắc, cả nước có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4/2020.
Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48.300 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 557.900 tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí là 407.200 lao động. Các con số trên giảm 10,5% về số doanh nghiệp, giảm 16,7% về vốn đăng kí và giảm 24,2% về số lao động so với cùng kì năm trước.
Tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh đã cải thiện rõ nét. Thống kê mới nhất cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 21.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,5% so với 5 tháng đầu năm 2019. Điều này nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên 70.000 doanh nghiệp.
Trung bình mỗi tháng có 14.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Xét theo từng ngành kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản là nhóm ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới tăng trưởng. So với cùng kì năm trước, nhóm ngành này tăng 5,6%.
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ dường như vẫn còn thấm đòn Covid-19 nên số doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kì, lần lượt giảm 6% và 12,6%. Riêng ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng đến 95%, vì đây là những ngành thiết yếu nên ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26.000 doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kì năm trước. Trong đó, cao nhất là ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể với 16.500 doanh nghiệp, nhưng đã giảm 14,5% so với cùng kì. Gần 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8%.
Tổng cục Thống kê cho biết doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản,…
Tổng cục Thống kê nhận định: "Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường".
Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2020 bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kì năm trước. Tính chung, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỉ USD, giảm 8,2% so với cùng kì năm trước.
Trong số gần 7 tỉ USD vốn ngoại, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí... chiếm đến 93,4%.
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.318,5 triệu USD, chiếm 58% tổng vốn đăng kí cấp mới. Xếp sau là Đài Loan với 10% và Trung Quốc với 9,3%.
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm, tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, đạt 180,7 triệu USD, bằng 98,7% cùng kò năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến 55,6% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 17,4%.
Đức là nước dẫn đầu trong số 21 quốc gia và vũng lãnh thổ nhận vốn đầu tư của Việt Nam chiếm 51,3%. Xếp sau là Mỹ với 12%, Myanma với 11,7% và Singapore với 10,5%.
Dù vẫn còn không ít khó khăn, ngành bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Tháng 5 là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kì nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384.800 tỉ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và nhưng lại giảm 4,8% so với cùng kì năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỉ đồng, giảm 3,9% so với cùng kì năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6%.
Ngành bán lẻ hàng hoá vẫn là thủ lĩnh trong nhóm dịch vụ với tổng mức ghi nhận 1.543,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 80,6%. Đây là ngành có mức tăng hiếm hoi 1,2% so với cùng kì năm trước. Giải thích về mức tăng trên, Tổng cục Thống kê cho biết, đây là do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá. Đồng thời, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Vẫn còn chịu đau, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 175.300 tỉ đồng, giảm đến 25,8% so với cùng kì năm trước. Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, tâm lí người dân đã bớt lo ngại. Tuy nhiên so với cùng kì năm trước vẫn giảm mạnh, do học sinh bắt đầu quay trở lại trường học, nhu cầu du lịch hè của các gia đình vào thời điểm này chưa cao.
Tương ứng, doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm ước tính đạt 8.300 tỉ đồng, chỉ chiếm 0,4% tổng mức và vẫn giảm mạnh đến 54,1% so với cùng kì năm trước. Nguyên nhân chính là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới, và Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài, trong khi du lịch nội địa chưa trở lại mạnh mẽ như cùng kì năm trước.
Một điểm đáng nói, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 đã giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch, sự chủ động điều hành giá xăng dầu và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt là những nguyên nhân chủ yếu.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kì năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây, tăng 4,39%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kì năm 2019.
Trong khi hầu hết các nhóm hàng có chỉ số giá giảm, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại đến 0,34%. Trong đó, thực phẩm tăng đến 0,43%, do giá heo hơi vượt đỉnh giá lịch sử 100.000 đồng/kg trong suốt nửa cuối tháng 5.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020