Tỉnh nào có tỉ lệ dân sở hữu ô tô nhiều nhất Việt Nam?

TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước không nằm trong Top 10 tỉnh, thành có tỉ lệ dân sở hữu ô tô nhiều nhất Việt Nam. Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc mới là các tỉnh dẫn đầu.

Tổng cục Thống kê vừa đưa ra bảng thống kê chính thức về tỉ lệ hộ gia đình phân theo loại thiết bị sinh hoạt đang sử dụng của cả nước. Kết quả có được từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà cửa ngày 01/4/2019.

So với năm 2009, đời sống của người Việt đã cải thiện hơn rất nhiều. Cứ 10 hộ gia đình thì có 9 hộ sử dụng ti vi, điện thoại. Nhưng về phương tiện vận tải, cả nước chưa tới 6% hộ gia đình dùng ô tô, các thành phố lớn không phải là nơi có tỉ lệ dân sử dụng ô tô nhiều nhất.

10 hộ gia đình Việt có 9 hộ sử dụng ti vi, có tivi mới sắm những thứ khác như tủ lạnh, máy giặt

Tổng cục Thống kê đánh giá, tiện nghi sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện, với 91,9% hộ có sử dụng ti vi. Theo tâm lí mua sắm đồ gia dụng, người tiêu dùng có xu hướng mua ti vi đầu tiên. Có ti vi, chủ hộ mới nghĩ đến những thứ khác như tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh,… Vì thế, cứ 10 hộ gia đình Việt thì có đến 9 hộ chắc chắc sử dụng ti vi là điều dễ hiểu.

Thị trường ti vi những năm gần đây khoác lên diện mạo mới nhờ sự xuất hiện của những thương hiệu giá rẻ. Người Việt không còn chỉ quẩn quanh các lựa chọn ti vi của Samsung, LG, Sony… với giá cao, mà giờ đây có thể quan tâm đến các sản phẩm của Casper, Coocaa, Skyworth, Vsmast, Asanzo…

Các thương hiệu ti vi này thường là tên tuổi trong nước hoặc các quốc gia trong khu vực. Chính vì thế, các hãng hiểu rõ tâm lí tiêu dùng của đại chúng và chọn cách sẵn sàng "đạp" giá của đối thủ, để điều chỉnh giá bán hấp dẫn, hợp lí hơn. Việc sở hữu ti vi từ đó càng dễ dàng đối với các hộ có thu nhập thấp.

Ngoài ra, các thiết bị phục vụ sinh hoạt cơ bản khác cũng được phần lớn hộ dân cư sử dụng và tăng đáng kể so với năm 2009. Cao nhất là tỉ lệ hộ sử dụng tủ lạnh, với mức tăng 48,9% lên tới mức 80,5%. Trong đó phải kể đến động lực chính của người dân thành thị, khi có đến 86,2% hộ dân sở hữu thiết bị này.

Tiếp đến là tỉ lệ hộ sử dụng máy giặt, tăng 37,3% so với năm 2009, lên mức 52,2%. Tủ lạnh và máy giặt dần trở thành hai sản phẩm thiết yếu đối với các hộ gia đình cho thu nhập trung bình trở lên.

Có mức tăng ít là điều hòa nhiệt độ, khi tỉ lệ hộ sử dụng chỉ tăng 25,5% so với năm 2009, lên ngưỡng 31,4%. Về khu vực phân bổ, điều hoà nhiệt độ được chuộng sử dụng ở các đô thị lớn, phần nhiều là ở miền Bắc.

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 của chuỗi Điện Máy Xanh, chuỗi đang chiếm tới 38% thị phần điện máy cả nước, nhóm ngành điện lạnh đang có doanh số tăng đến 32% so với năm 2018. Trong đó, máy lạnh là động lực chính. Riêng chuỗi này kì vọng bán hết 1 triệu chiếc trong năm nay.

TP HCM rớt top 10 nơi có tỉ lệ sử dụng ô tô nhiều nhất cả nước - Ảnh 1.

Ti vi và tủ lạnh đang là những đồ gia dụng hiện diện phổ biến nhất trong gia đình Việt. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

70% gia đình Việt không sử dụng máy vi tính

Về thiết bị hỗ trợ công việc, giải trí nghe nhìn cá nhân, toàn bộ hộ gia đình người Việt gần như đều sử dụng. Có 91,7% hộ cho biết có sử dụng điện thoại (gồm cả cố định, di động) hoặc máy tính bảng.

Theo báo cáo của GfK, mặc dù không được quảng bá rộng rãi và đa dạng về mẫu mã như smartphone, nhưng điện thoại phổ thông vẫn được người dùng Việt Nam ưa chuộng, luôn duy trì lượng bán ra chiếm khoảng 40%.

Các mẫu này đều có giá thành dưới 1 triệu đồng, có máy chỉ nhỉnh hơn 100.000 đồng. Vì thế, điều kiện sở hữu điện thoại ngày càng dễ dàng với người dân.

Sự phổ biến của điện thoại còn được thể hiện ở xu hướng tăng trưởng ì ạch của ngành hàng này trong thời gian qua. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 của chuỗi thegioididong.com, chuỗi đang chiếm gần 1/2 thị phần cả nước, ngành hàng điện thoại chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 2%. Điều này chứng tỏ điện thoại đã trở nên rất phổ biến với người Việt.

Tuy nhiên, số hộ gia đình có sử dụng máy vi tính (bao gồm máy để bàn, laptop) lại ở mức thấp,  chỉ 30,7% hộ gia đình có thiết bị này. Máy vi tính chủ yếu được sử dụng ở 3 thành phố lớn, gồm TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Sự chênh lệch giữa nơi sử dụng nhiều nhất (TP HCM) với thấp nhất (Sơn La) rất lớn, gấp gần 5 lần.

Việc tỉ lệ sở hữu máy vi tính của người Việt còn thấp mở ra thị trường cực kì tiềm năng cho các nhà sản xuất và bán lẻ, nhất là máy tính xách tay. Theo GfK, thị trường máy tính xách tay năm 2019 đã tăng 7% về số lượng và 15% về giá trị doanh thu so với năm 2018.

FPT Retail, nhà bán lẻ laptop lớn nhất hiện nay, cho biết doanh số tháng 2/2020 tăng 79% so với tháng 1, doanh số tháng 3 tăng "khủng" lên tới 172% so với tháng trước. Còn chuỗi thegioididong.com kì vọng, đến cuối năm sẽ bán trên 300.000 chiếc laptop, đem về doanh số trên 4.000 tỉ đồng cho Thế Giới Di Động.

TP HCM rớt top 10 nơi có tỉ lệ sử dụng ô tô nhiều nhất cả nước - Ảnh 2.

Điện thoại đã quá phổ biến với người Việt, nhưng máy vi tính thì vẫn ít được sử dụng. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

TP HCM là nơi nhiều người dân sử dụng xe gắn máy, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có rất nhiều hộ gia đình sở hữu ô tô 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, phương tiện giao thông cá nhân có động cơ (mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện và ô tô) vẫn là chính yếu người dân trong nước sử dụng cho mục đích di chuyển, với 88% hộ sử dụng. Tỉ lệ hộ sử dụng phương tiện này ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ sử dụng phương tiện xe cá nhân cao nhất là TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Tây Ninh (trên 94% tại mỗi tỉnh, thành).

Không có gì bất ngờ, người Việt chuộng xe máy nhất. Tính đến tháng 4/2019, cả nước có 87,8% hộ gia đình sử dụng xe máy (tính cả xe điện các loại).

Đông Nam Bộ là vùng có hộ gia đình sử dụng xe máy nhiều nhất, với 94,1%. Trong số 10 tỉnh, thành dẫn đầu về tỉ lệ hộ gia đình sử dụng xe máy, có đến 6 tỉnh, thành thuộc Đông Nam Bộ.

Điều này dễ giải thích vì dân số vùng chiếm gần 1/5 cả nước (không kể số người tạm trú lâu dài). Tất cả tỉnh, thành đều thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều khu công nghiệp. Nhu cầu đi lại cá nhân là rất lớn.

Nhưng với thu nhập chưa cao, tỉ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô toàn quốc chỉ có 5,7%. Khu vực thành thị có tỉ lệ cao gần 3 lần so với nông thôn, lần lượt là 9,5% và 3,6%.

Đồng bằng sông Hồng là vùng có nhiều hộ gia đình sở hữu ô tô nhất, đến 7,5%. Các vùng kinh tế còn lại có tỉ lệ chênh lệch không nhiều. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2,5% hộ có xe 4 bánh trở lên.

Trong số 10 tỉnh, thành có tỉ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất cả nước, TP HCM không có tên. Đầu tàu kinh tế cả nước chỉ xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng này. Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… mới là các tỉnh dẫn đầu.

TP HCM rớt top 10 nơi có tỉ lệ sử dụng ô tô nhiều nhất cả nước - Ảnh 3.

TP HCM là nơi sử dụng xe máy nhiều nhất cả nước, còn về ô tô, thành phố này rớt cả top 10. (Đồ hoạ: Tất Đạt).