Dự báo sản lượng xe thương mại toàn cầu sẽ giảm 22% so với năm 2019, xuống chỉ còn 2,6 triệu chiếc trong năm 2020.
Đại dịch Covid - 19 đã tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới, trong bối cảnh các nhà máy sản xuất quan trọng vẫn bị dừng hoạt động. Ước tính, những thiệt hại trong ngành ô tô sẽ dẫn tới sự sụt giảm 3% tổng GDP toàn cầu trong năm nay.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng không nằm ngoài thực trạng này.
Theo Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến tháng 4/2020 cả nước chỉ ghi nhận 11.761 xe đăng kí, bao gồm 7.796 xe khách, 3.652 xe thương mại và 313 xe chuyên dùng. Doanh số bán xe chở khách giảm 40%, xe thương mại giảm 26% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng trước.
Toàn bộ thị trường ô tô Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 đã giảm 36%, theo VAMA.
Lí do chính cho sự sụt giảm doanh số được giải thích là vì các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn lây nhiễm Covid - 19 đã khiến người tiêu dùng ít mua xe mới hơn.
The Diplomat ước tính, 70% nguồn cung xe ô tô tại Việt Nam là được lắp ráp trong nước, trong khi xe nhập khẩu chiếm 30% còn lại.
Tại Việt Nam hiện có ba hình thức sản xuất ô tô chính: Complete Knocked-Down (CKD) trong đó các nhà máy tại Việt Nam sẽ nhập khẩu 100% linh kiện để lắp ráp; Semi-Knocked-Down (SKD) - xe được lắp ráp với một số thành phần linh kiện trong nước, và thứ ba là hình thức Complete Built-Up (CBU) trong đó những chiếc xe được sản xuất 100% ở nước ngoài và được nhập khẩu vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam phải chịu mức thuế và lệ phí khá cao, đồng thời cũng phải đối mặt với thực trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn.
Hệ thống các doanh nghiệp trong nước còn yếu kém bởi sự thiếu hợp tác và chuyên môn hoá giữa dây chuyền lắp ráp với sản xuất phụ tùng và linh kiện. Trong khi đó, các sản phẩm của họ cũng không sở hữu công nghệ mới nhất.
Cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu. Tại Việt Nam, hầu hết các công ty cung ứng phụ tùng và linh kiện cho ngành chế tạo ô tô đều là các doanh nghiệp FDI. Vấn đề của ngành này là sự yếu kém trong đổi mới công nghệ.
Hiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang phải đối mặt với những cơ hội cũng như rủi ro tiềm tàng.
Một số chủ doanh nghiệp ô tô trong nước bày tỏ quan ngại các chính sách của Chính phủ, và kêu gọi các bộ ngành thực hiện các biện pháp toàn diện, thực chất hơn. Những doanh nghiệp này cho rằng chính sách thuế của Chính phủ cho ngành công nghiệp ô tô thực sự chưa hiệu quả.
Doanh nghiệp trong nước phải trả thuế quá cao cho các loại linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để phục vụ sản xuất, chế tạo. Trong khi xe nhập khẩu đã có mức thuế suất 0%. Do đó, cơ cấu giá xe sản xuất trong nước bao giờ cũng cao hơn so với giá xe nhập.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xe hơi ở Việt Nam luôn đắt hơn các nước ASEAN khác như Thái Lan hay Indonesia. Mặt khác, ô tô sản xuất tại các nước trong ASEAN có giá cả cạnh tranh hơn và tỉ lệ nội địa hoá cao hơn.
Bộ Công thương Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng doanh nghiệp ô tô trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu, khi Việt Nam đã kí Hiệp định thương mại tự do với EU và Hiệp định đối tác toàn diện CPTPP, trong đó có nhiều quốc gia thành viên là ông trùm trong làng sản xuất xe hơi thế giới.
Nếu Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (FTA) được quốc hội Việt Nam thông qua, thuế suất nhập khẩu ô tô trực tiếp từ EU sang Việt Nam sẽ chỉ ở mức 55% - 75%, cạnh tranh với ô tô trong nước.
Ngoài ra, thuế nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đã giảm xuống 0% kể từ năm 2018.
Bất chấp tác động của virus Covid - 19 đối với nền kinh tế, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trởi lại. Trong những năm tới, khối lượng ô tô nhập khẩu sẽ tăng đáng kể, do nhu cầu trong nước cao. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp ô tô "nội" gặp khó.
Bộ Công Thương đề xuất một loại thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ được áp dụng cho tô dưới 9 chỗ ngồi được sản xuất, lắp ráp trong nước. Đồng thời cũng đề nghị giảm thuế cho các bộ phận, linh kiện được nội địa hoá. Chưa rõ liệu khi nào quy định mới này mới được áp dụng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định rằng đề xuất này không những có thể giúp xe nội cạnh tranh với xe ngoại nhập khẩu, mà còn mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế, mặc dù nguồn thu ngân sách giảm.
Đáng chú ý, ngày 20/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đến cuối năm 2020 đối với các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Động thái được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước phục hồi và kích thích doanh số bán hàng của các dòng xe nội. Nó cũng sẽ giúp người mua xe tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô trong nước vẫn chưa rõ chính xác khi nào quyết định này có hiệu lực.
Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng và điều đó giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Theo báo cáo của PwC, số người Việt trung lưu sẽ đạt 44 triệu vào năm 2020, và tăng lên 95 triệu người trong năm 2030. Sự phát triển này sẽ thay đổi lối sống trong xã hội Việt Nam và tăng chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như ô tô.
Mức sống của người dân được cải thiện đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Thị trường xe hơi hạng sang của Việt Nam cũng dự kiến sẽ cất cánh mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp những tác động từ đại dịch Covid - 19. Người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng lựa chọn các mẫu xe sang trọng, đẳng cấp.
VinFast - thương hiệu ô tô của tập đoàn Vingroup, đang có tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô và xe máy hàng đầu Đông Nam Á. Một doanh nghiệp khác là tập đoàn Thaco Trường Hải cũng đang là nhà sản xuất ô tô số 1 tại Việt Nam, với thị phần trong nước chiếm tới 32%.
Đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực trong ngành. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm 2020, báo hiệu sự thịnh vượng trở lại của toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể gắn liền với nền kinh tế xanh, khi Chính phủ Việt Nam theo đuổi chính sách giảm phát thải CO2 và giảm bớt những vấn đề sức khoẻ cộng động vào năm 2030.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu kích thích sản xuất, bao gồm chiến lược phát triển ô tô quốc gia đến năm 2025 và các nghị định thay đổi thuế.
Dự báo những điều chỉnh chính sách linh hoạt có thể giúp ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Việt Nam đối mặt với những thách thức mới, phát sinh từ thị trường quốc tế và các yếu tố địa chính trị mới.
Kinh doanh 22:41 | 22/12/2020
Kinh doanh 11:17 | 20/11/2020
Kinh doanh 09:50 | 20/11/2020
Kinh doanh 14:30 | 12/11/2020
Tiêu dùng 14:53 | 28/10/2020
Kinh doanh 16:51 | 23/10/2020
Kinh doanh 10:04 | 22/10/2020
Kinh doanh 09:12 | 22/10/2020