Miễn thuế suất nhập khẩu linh kiện lắp ráp ô tô từ ngày 10/7

Từ ngày 10/7, thuế suất nhập khẩu linh kiện, vật tư, nguyên liệu để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ về 0%, theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Kì xét ưu đãi thuế tối đa không quá 6 tháng tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 hoặc từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 hàng năm.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020.

Thuế linh kiện nhập khẩu lắp ráp ô tô về 0%

Cụ thể, đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ chế tạo, gia công các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên cho phát triển ngành công nghiệp ô tô, sẽ được hưởng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% kể từ ngày 10/7/2020.

Trong đó, đối tượng được áp dụng bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công, linh kiện, phụ tùng ô tô; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.

Thuế suất linh kiện nhập khẩu lắp ráp ô tô sẽ về 0% từ ngày 10/7 - Ảnh 1.

Thuế suất linh kiện nhập khẩu lắp ráp ô tô sẽ về 0% từ ngày 10/7. (Ảnh: Mining.com).

Để được hưởng ưu đãi, các doanh nghiệp gia công, lắp ráp ô tô phải thoả mãn các điều kiện sau:

Có hợp đồng mua bán sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.

Có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh nêu rõ mục tiêu dự án hoặc ngành nghề kinh doanh, trong đó có sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác.

Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) và máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.

Đặc biệt, sản phẩm chỉ được lắp ráp đơn thuần với nhau bằng những thiết bị đơn giản như vít, bu-lông, ê-cu, bằng đinh tán và không trải qua quá trình sản xuất, gia công nào để thành sản phẩm hoàn thiện thì không được áp dụng chương trình ưu đãi thuế này.

Được biết, tại thị trường Việt Nam, ước tính hiện tại có khoảng gần 40 thương hiệu xe ô tô đang được lắp ráp, sản xuất trong nước. 

Dự kiến, khi Nghị định này chính thức có hiệu lực, hứa hẹn sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất ô tô, dẫn tới giảm giá thành cho những chiếc xe mang thương hiệu nội như VinFast, Thaco hay Thành Công.

Liên quan đến ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương giảm tới 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, đến hết năm 2020 để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid - 19.

Hiện theo Quyết định số 452/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, người mua xe ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi phải đóng lệ phí trước bạ ở mức từ 10% - 12%, tuỳ từng địa phương. Các xe bán tải, xe VAN kể từ tháng 4/2019 sẽ phải đóng lệ phí ở mức 60% so với ô tô con, tức từ 6%- 9%.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (4/5 - 10/5): Đề xuất làm cao tốc Phủ Lý - Nam Định, sẽ mở rộng Vành đai 2 Hà Nội
Đề xuất làm cao Phủ Lý - Nam Định; hơn 17.000 tỷ đồng mở rộng gần 4 km vành đai 2 Hà Nội; lên kế hoạch làm vành đai 4 đoạn qua Bình Dương; phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2050... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.