Reuters đưa tin, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 2,7% trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đại diện IMF tại Việt Nam, Francois Painchaud, cho biết các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn virus Sars-CoV-2, cùng với bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu nội địa suy yếu được cho sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Một số lĩnh vực dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch, vận tải và lưu trú.
Tuy nhiên, tổ chức này lạc quan rằng tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân dự kiến sẽ phục hồi khi các biện pháp ngăn chặn được dỡ bỏ. Rất có thể, tốc độ tăng GDP sẽ đạt 7% vào năm 2021. Con số này căn cứ vào các biện pháp nới lỏng tài chính và tiền tệ, nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối mạnh của Việt Nam và phục hồi dần dần từ nhu cầu bên ngoài.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, triển vọng vẫn còn thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát của đại dịch toàn cầu. Ước tính sơ bộ cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm xuống còn khoảng 4,9% vào năm 2020 (thấp hơn khoảng 1,6% so với dự báo trước đây của WB).
Trong trung hạn, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ tăng trở lại 7,5% vào năm 2021 và ổn định ở mức khoảng 6,5% vào năm 2022. Con số này được giải thích nhờ sự tăng trưởng trong nhu cầu ngoại quốc và sự phục hồi của ngành dịch vụ, cũng như sự phục hồi dần dần trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR - trực thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đưa ra dự báo về sức khoẻ nền kinh tế. Theo kịch bản lạc quan nhất, khi dịch Covid-19 trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5, và nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý II/2020, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm sẽ là 4,2%.
Cuối tuần qua, tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu tăng trưởng GDP năm nay đạt mức trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta phải tập trung cùng nhau để khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, với việc dỡ bỏ sự cách li xã hội, để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trên 5% vào năm 2020".
Muốn như vậy toàn bộ nền kinh tế phải tập trung vào "5 mũi giáp công". Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.
Đầu tư nước ngoài được xem là chất xúc tác quyết định để vượt qua mức tăng trưởng GDP 5% trong năm nay. "Nền kinh tế của Việt Nam giống như một chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra", Thủ tướng nhận định.
Asian Nikkei Review dẫn lời Hong Sun, Phó Chủ tịch của KorCham Việt Nam, bày tỏ sự ủng hộ cho những nhận xét của Thủ tướng. "Việt Nam và Hàn Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng này, và tôi tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng bền chặt hơn", ông nói.
Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam trong năm ngoái. Vốn đầu tư 7,92 tỉ USD từ Hàn Quốc chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài, với tổng trị giá 38 tỉ USD, tăng 7,2% so với năm trước. Hong Kong theo sau với 7,87 tỉ USD, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc đầu tư 4,14 tỉ USD và 4,06 tỉ USD.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020