Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 4,9%

Việt Nam vẫn là nền kinh tế có nhiều điểm sáng trong thời kì đại dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ chỉ khoảng 4,9%, nền kinh tế cần các biện pháp hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hiệp định thương mại tự do để làm “phao cứu sinh”.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra báo cáo tình hình kinh tế của các nước trong giai đoạn đại dịch, tính đến hết tháng 4/2020. Với Việt Nam, WB nhận xét: "Việt Nam vẫn đang đối mặt với 'hung thần' Covid-19 và sự hỗn loạn đang diễn ra trên thị trường tài chính toàn cầu, nền kinh tế của nước này sẽ kiên cường trước những cú sốc bên ngoài trong vài tháng đầu năm 2020".

GDP Việt Nam năm 2020 tăng khoảng 4,9%

Theo WB, triển vọng trung hạn cho kinh tế Việt Nam là rất thuận lợi, nhưng rủi ro giảm tăng trưởng đáng kể gắn liền với bất lợi lâu dài vẫn có khả năng khi nhu cầu bên ngoài đang yếu dần. 

"Về mặt tích cực, Việt Nam được định vị mạnh mẽ để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực", Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy sức mạnh và khả năng phục hồi được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, và sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP thực tế tăng khoảng 7% trong năm 2019, gần với tốc độ được báo cáo năm 2018, và là một trong những tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

Triển vọng vẫn còn thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi sự bùng phát của đại dịch toàn cầu. Ước tính sơ bộ cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm xuống còn khoảng 4,9% vào năm 2020 (thấp hơn khoảng 1,6% so với dự báo trước đây của WB).

Trong trung hạn, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ tăng trở lại 7,5% vào năm 2021 và ổn định ở mức khoảng 6,5% vào năm 2022. Con số này được giải thích nhờ sự tăng trưởng trong nhu cầu ngoại quốc và sự phục hồi của ngành dịch vụ, cũng như sự phục hồi dần dần trong sản xuất nông nghiệp.

GDP Việt Nam tăng 4,9% trong năm nay vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

WB dự đoán tốc độ tăng GDP của Việt Nam lần đầu tiên dưới 5% sau 30 năm. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

WB cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục cân bằng các mục tiêu kép, là duy trì sự ổn định, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau nhiều tháng điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, Ngân hàng Nhà nước  đã bắt đầu nới lỏng vào tháng 9/2019. Những tuần gần đây, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất chính sách 100 điểm cơ bản, và cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại khoản vay kì hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, để đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch.

Cân bằng đối ngoại của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong năm 2019, mặc dù diễn biến thương mại toàn cầu không chắc chắn. Tiếp đà này, mặc dù thương mại thế giới rối ren nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 8% vào đầu năm 2020. Con số cho thấy khả năng phục hồi kinh tế bất chấp điều kiện kinh tế bên ngoài bất lợi.

WB đánh giá cao khi thặng dư tài khoản vốn của Việt Nam vẫn còn khá lớn, do dòng vốn FDI tăng cao và kéo dài. Vì thế, dự trữ ngoại hối tiếp tục được tích luỹ, tăng từ mức 2,8 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2018 lên khoảng 3,5 tháng vào cuối năm 2019. Đồng thời, cả tỉ giá hối đoái danh nghĩa và thực tế đều tương đối ổn định cho đến năm 2019 và đến đầu năm 2020.

Theo chính sách hợp nhất tài khóa từ năm 2016, thâm hụt ngân sách chung đã giảm từ 4,4% GDP vào năm 2018 xuống còn 4% vào năm 2019. Do đó, nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm từ 59,6% GDP trong 2016 về mức 54% GDP vào cuối năm 2019.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới

Ngân hàng Thế giới dự đoán, trước mắt, sự bùng phát của Covid-19 có thể tạo ra những tác động bất lợi mạnh mẽ đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất và du lịch phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Tác động ngắn hạn đối với các hoạt động kinh tế của Việt Nam có thể rất đáng kể, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nếu dịch bệnh sớm kết thúc.

GDP Việt Nam tăng 4,9% trong năm nay vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

EVFTA được xem là một trong những "phao" giúp Việt Nam lội ngược dòng chảy thương mại thế giới đang thụt lùi. (Ảnh: VGP).

"Các rủi ro ngắn hạn khác bao gồm sự chậm lại trong hoạt động kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu, vì nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới", WB ghi rõ.

Sắp tới, Việt Nam có thể quản lí các rủi ro bên ngoài bằng cách đa dạng hóa dòng chảy thương mại và cải thiện khả năng cạnh tranh. Việt Nam có "phao cứu sinh" trên dòng chảy thương mại là các hiệp định thương mại mới, ví dụ như Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).

Biến động toàn cầu tăng cao nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, bao gồm thực hiện các cải cách cơ cấu theo kế hoạch, như đối với các doanh nghiệp nhà nước. 

Tác động tiêu cực nhất với Việt Nam do dịch Covid-19 gây ra chỉ gói gọn trong du lịch và sản xuất

Do số lượng các trường hợp nhiễm bệnh tương đối ít, WB dự liệu các tác động tiêu cực quan trọng nhất liên quan đến dịch bệnh chỉ gói gọn trong du lịch và sản xuất, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

GDP Việt Nam tăng 4,9% trong năm nay vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Tình trạng đói nghèo tiếp tục được cải thiện sau dịch Covid-19. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Áp lực lạm phát được dự báo sẽ tăng tạm thời, phản ánh rõ qua giá thực phẩm, và sự gián đoạn thương mại có thể xảy ra. 

Với nhiều hộ gia đình hiện phụ thuộc vào tiền lương ngay cả ở khu vực nông thôn, sự chậm lại trong du lịch, khách sạn và dịch vụ ăn uống cũng như các ngành sản xuất, có thể tạm thời làm tăng nghèo đói trong nửa đầu năm 2020.

Ngoại hối của Việt Nam được WB dự báo sẽ xấu đi vào năm 2021, chủ yếu là do sự sụt giảm trong xuất khẩu dịch vụ (du lịch) và dòng vốn FDI thấp hơn. Thâm hụt tài khóa sẽ tăng tạm thời vào năm 2020 do doanh thu thấp hơn. 

Nhưng WB cũng lạc quan rằng, kích thích tài khóa sẽ bù đắp một phần cho tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Quá trình hợp nhất tài khóa được dự kiến tiếp tục từ năm 2021, điều này sẽ giúp giảm thêm nợ công.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.