Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 đạt 7%

Mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước bình quân khoảng 7% đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 18 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 đạt 7% - Ảnh 1.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 7%. (Ảnh: TTO).

Thủ tướng nhận định trong giai đoạn tới, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nền kinh tế trong nước phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại lẫn áp lực già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

Do đó, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn  2021-2025 là rất nặng nề.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, trong đó tập trung vào các nội dung như nhận định, phân tích cơ hội, thách thức của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế.

Chỉ thị 18 nêu rõ mục tiêu chủ yếu của kế hoạch là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước bình quân 5 năm 2021-2025 tăng khoảng 7% đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Căn cứ tình hình thực tế sẽ xây dựng tốc độ tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương hợp lí; đề xuất một số chỉ tiêu cơ bản của bộ, ngành và địa phương cho giai đoạn 2021-2025.

Giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% giai đoạn 2021-2025

Chính phủ đề ra định hướng, nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn được đẩy mạnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế... Song song đó là thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Có chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng, nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên kết vùng...

Cùng với đó là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị, nông nghiệp… Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới có ứng dụng công nghệ số...

Chỉ thị nêu rõ trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp, chính sách để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.