Báo cáo "Cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương: Đông Á - Thái Bình Dương thời Covid-19" của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra 2 kịch bản dự báo về GDP của các nước.
Báo cáo cho biết Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Myanmar nằm trong số ít các quốc gia được dự báo sẽ phát triển trong tất cả các kịch bản, nhưng ở mức thấp hơn đáng kể so với năm 2019.
Với kịch bản cơ sở, tức theo WB là kịch bản có mức suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng sau đó sẽ hồi phục mạnh. Giả định rằng đại dịch Covid-19 sẽ tác động đến Trung Quốc mạnh nhất, nhưng cũng gây tổn thương đến các quốc gia khác.
Theo đó, WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 2,1%, trong đó GDP của các quốc gia đang phát triển giảm 2,5%, GDP của các nước có thu nhập cao giảm 1,9%.
Trong kịch bản này, GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu toàn cầu cũng được WB dự báo giảm 2,5%. Trung Quốc vốn được xem là công xưởng thế giới, chứng kiến sự suy giảm sản xuất ở mọi lĩnh vực, vì tình trạng sử dụng dưới mức lao động và nguồn vốn, cùng với chi phí thương mại cao hơn.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc được cho là sẽ giảm 3,7%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có khả năng giảm 1%.
Khi chi phí thương mại cao hơn, giá của một đơn vị nhập khẩu và xuất khẩu gia tăng, tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc suy giảm, vì chi phí xuất khẩu cao hơn cũng như chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn. Do đó, giá thành phẩm cũng sẽ tăng. Chi phí thương mại ngày càng tăng sẽ dẫn tới sự suy giảm về năng suất lao động.
Ngành du lịch trong và ngoài nước cũng sẽ giảm mạnh, từ đó dẫn tới sự suy giảm thêm về GDP và xuất khẩu của Trung Quốc.
Cuối cùng, các thành phần của chi tiêu đang thay đổi ,khi nhu cầu giảm mạnh đối với những lĩnh vực vận tải, khách sạn… Sự suy giảm về tính cạnh tranh và thu nhập thấp hơn khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 3,5%, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 3,2%.
Lượng tiêu thụ thực của các hộ gia đình giảm 7,2%.
Với kịch bản tình huống thấp hơn, tức kịch bản suy thoái sâu hơn, sau đó là khôi phục chậm, WB cho rằng GDP của các quốc gia sẽ giảm mạnh hơn vì đại dịch kéo dài và sâu hơn. Giả định vẫn giữ nguyên, cú sốc ở Trung Quốc vẫn giữ nguyên như trong kịch bản cơ sở, trong khi cú sốc đến các quốc gia còn lại sẽ mạnh hơn.
Trong kịch bản này, WB dự báo GDP toàn cầu có thể giảm 3,9%, các quốc gia có thu nhập cao có thể ghi nhận GDP giảm mạnh, trong khi GDP của Trung Quốc giảm 4,3%.
Với Việt Nam trong kịch bản này, GDP được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2020.
Khu vực có khả năng ghi nhận giảm GDP mạnh nhất sẽ là những khu vực gắn kết chặt nhất vào thương mại, hoặc những nơi ngành du lịch giữ vai trò lớn.
Theo đó, GDP Campuchia và Thái Lan được dự báo giảm hơn 6%. Trong khi Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines được dự báo giảm hơn 4,5%, tức mạnh hơn mức giảm của Trung Quốc.
Xét về trung hạn, trong kịch bản cơ sở, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ lại bật lên sau đại dịch Covid-19, quay lại mức 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức 6,5% trong năm 2022, nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.
Ở một kịch bản kém khả quan hơn, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 4% trong năm sau.
Báo cáo từ WB còn đưa ra các khuyến nghị chính cho Chính phủ các nước Đông Á - Thái Bình Dương cần nhanh chóng hành động ngay, theo hướng hợp tác và ở quy mô lớn.
Đó là điều chỉnh cả chính sách y tế và chính sách kinh tế vĩ mô, như áp dụng các biện pháp kiểm soát truyền nhiễm (cấm đi lại, đóng cửa ở nhà…) để "làm phẳng đường cong đại dịch", kết hợp các biện pháp tiền tệ, tài khóa và tái cơ cấu để "làm phẳng đường cong suy thoái".
Nâng cao năng lực chăm sóc y tế, để đáp ứng nhu cầu có thể tăng vọt trong giai đoạn kéo dài, như sáng tạo chuyển đổi giường bệnh thông thường thành giường hồi sức tích cực, đảm bảo người nghèo được tiếp cận đầy đủ.
Điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với khủng hoảng Covid-19, như các biện pháp tài khóa hỗ trợ công tác ứng phó y tế công cộng và trợ cấp xã hội, tăng thanh khoản có thể giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Trong khu vực tài chính, cần giúp các hộ gia đình tiếp cận tín dụng dễ hơn, để vượt qua khó khăn và bình ổn tiêu dùng, đồng thời nới lỏng cơ hội tiếp cận thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp họ sống sót qua thời kì bị gián đoạn hiện nay
Đồng thời, chính sách thương mại mở phải được duy trì, cũng như cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020