Việt Nam vào “tầm ngắm” đầu tư
Việt Nam hiện chỉ ghi nhận 288 ca mắc Covid-19 và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Điều này giúp Việt Nam có điều kiện khôi phục nền kinh tế sớm hơn hầu hết các quốc gia khác, Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia y tế.
“Nhờ ứng phó nhanh chóng với dịch, chúng tôi dự đoán đầu tư sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch”, Công ty Cổ phần Phát triển Kizuna, công ty chuyên về xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam, nhận định với Reuters. Công ty có nguồn khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc này cho biết họ đang có kế hoạch hoàn thiện một nhà xưởng với diện tích 100.000m2 ở phía nam Việt Nam do dự đoán nhu cầu sẽ tăng mạnh sau đại dịch. “Diện tích nhà xưởng này sẽ hoàn thiện vào khoảng tháng 7”, Kizuna cho biết.
Các chuyên gia tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài cho hay, thành công của Việt Nam trong ứng phó đại dịch đã thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư nước ngoài. “Trong rất nhiều cuộc thảo luận của tôi, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư hơn”, Michael Sieburg, đối tác tại một công ty tư vấn đầu tư tại châu Á YCP Solidiance, cho biết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam hiện đã sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các cơ sở sản xuất mới. “Các cơ hội này sẽ bao gồm việc dịch chuyển đầu tư, đặc biệt với các công ty đa quốc gia qui mô lớn muốn đa dạng chuỗi cung sang các khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những điểm đến được lựa chọn đầu tiên”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Reuters bình luận, sự chuyển dịch này đã bắt đầu. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp đặt tại Trung Quốc đã tìm hướng chuyển cơ sở sản xuất trong bối cảnh chi phí nhân công tăng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Việt Nam là một trong những điểm đến mà các doanh nghiệp này lựa chọn. Các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng là yếu tố giúp khuyến khích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Fred Burke, đối tác quản lí tại công ty luật quốc tế Baker McKenzie, cũng nhận định cách ứng phó hiệu quả của Việt Nam với đại dịch Covid-19 đã củng cố niềm tin của các doanh nghiệp hoạt động tại đây và điều này sẽ góp phần đáng kể giúp nền kinh tế phục hồi.
“Việt Nam đã tạo được niềm tin lớn. Trước kia, ở thời điểm dịch bệnh bùng phát, các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng đưa đầu tư trở lại quê nhà ở Bắc Mỹ hay châu Âu, thậm chí Đông Bắc Á, nhưng giờ đây khi tỉ lệ tử vong ở các khu vực này cao, nhà đầu tư cảm thấy an toàn thậm chí an toàn hơn khi ở Việt Nam”, ông Burke nhận định.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, sau 5 năm tăng trưởng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm 15,5% trong 4 tháng đầu năm nay, xuống còn 12,3 tỷ USD. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, một mục tiêu mạnh mẽ khi kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái sâu.
Bí quyết thành công
Báo chí quốc tế đã liên tục ca ngợi chiến dịch ứng phó đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Tạp chí The Economist cho rằng, bí quyết giúp Việt Nam thành công đó là sự phản ứng nhanh chóng và hệ thống y tế công hiệu quả. Một số ý kiến cho rằng, nhờ dân số trẻ và việc tiêm chủng phổ biến vắc xin BCG nên tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam thấp hơn so với những nơi khác.
The Economist chỉ ra, Việt Nam là một trong số ít những câu chuyện thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 bên cạnh Hàn Quốc, New Zealand và điều đáng nói là đến nay Việt Nam mới chỉ ghi nhận 288 ca mắc Covid-19, chưa có ca tử vong nào.
Todd Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, cho rằng lí do giúp Việt Nam thành công rất đơn giản: “Việt Nam đã hành động sớm và quyết liệt, áp dụng các phương pháp đã được chứng minh giúp ngăn chặn đáng kể đà lây lan của virus. Nếu ngăn chặn nhanh chóng, sẽ tránh được tình trạng ca bệnh gia tăng theo cấp số nhân”.
Ông Pollack cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, ngoài hiệu quả của chương trình xét nghiệm qui mô lớn và cách li tập trung, các yếu tố văn hóa cũng góp phần đáng kể vào nỗ lực kiểm soát dịch của Việt Nam, như tinh thần sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm, người dân chấp hành đeo khẩu trang ở nơi công cộng, sẵn sàng cách li và tôn trọng lời khuyên của chuyên gia.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, thành công có được cũng nhờ một phần lớn vào việc giới y tế nhanh chóng cách li và cách li có hiệu quả những người nhiễm bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ những người cao tuổi.
Mặt khác, ông Pollack cảnh báo, dù đã có những thành công lớn trong kiểm soát dịch, nhưng Việt Nam vẫn cần thận trọng để tránh nguy cơ dịch tái bùng phát.