CEO Vietravel kiến nghị cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để du lịch qua cơn khó trong quý III

CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng nếu có nghỉ hè thì du lịch trong nước có thể qua được cơn khó trong quý III, nên ông đề nghị học sinh được nghỉ hè khoảng 1 tháng trước khi quay lại trường bắt đầu năm học mới.

Kiến nghị cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay, Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết sau khi Thủ tướng quyết định dỡ bỏ cách li xã hội, và cho phép các dịch vụ không thiết yếu quay lại hoạt động, ngành du lịch đã bước đầu kích thích sống dậy.

Ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cho học sinh nghỉ hè 4-5 tuần, thời gian nghỉ có thể rơi vào giữa tháng 8 hoặc tháng 9, để thúc đẩy du lịch phát triển.

"Nếu có nghỉ hè thì du lịch trong nước có thể qua được cơn khó trong quý III", Tổng Giám đốc Vietravel nói.

Kiến nghị cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch trước khi bắt đầu năm học mới - Ảnh 1.

Kiến nghị cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch trước khi bắt đầu năm học mới. (Ảnh: Thanh Niên).

Ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ chưa bao giờ ngành du lịch gặp phải khó khăn như thời điểm này. Vì vậy, khi được mở cửa trở lại, du lịch sẽ quyết tâm, nỗ lực để vực dậy.

Trước mắt, ông đề xuất cần phải kích cầu du lịch nội địa với chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", khuyến khích các ngành, các cấp, các công ty, xí nghiệp… hưởng ứng để giữ khách nội địa, giữ nhân sự cho ngành du lịch.

Ông đề xuất thực hiện các tam giác du lịch để kích cầu tại các địa phương. Miền Bắc là tam giác Hà Nội-Ninh Bình-Quảng Ninh. Ở miền Trung - Tây Nguyên là Thừa Thiên Huế-Quảng Nam-Đà Nẵng, Đăk Lăk-Phú Yên-Bình Định. 

Ở miền Nam là TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Để kích thích các tam giác nội địa này, ông cho rằng vai trò của địa phương rất lớn. Tổng giám đốc Vietravel đề nghị các địa phương giảm 50% chi phí tham quan di tích danh lam thắng cảnh để thu hút khách.

Đồng thời, 85% khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không, ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chọn lọc mở lại các đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay.

Đề xuất đón khách quốc tế từ quý IV

Bên cạnh chương trình kích cầu "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", Tổng giám đốc Vietravel đề nghị nên tận dụng ngay cơ hội khi niềm tin của khách quốc tế đặt vào Việt Nam, triển khai chương trình "Du lịch Việt Nam - điểm đến an toàn".

Kiến nghị cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch trước khi bắt đầu năm học mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất đón khách quốc tế từ quý IV/2020. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo ông, trước mắt, khách du lịch quốc tế sẽ tập trung vào những thị trường đã có sự phục hồi, chuyển giai đoạn sau dịch bệnh. Theo đó, nhóm khách tiềm năng sẽ là thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc và toàn bộ thị trường Đông Nam Á.

Dự kiến từ đầu quý IV/2020 đã có thể có khách từ những thị trường này.

Đại diện ngành du lịch cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, sau khi kết thúc dịch Covid-19. Nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế tiềm năng, cũng như tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa, quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp sau khi hết dịch.

Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ngành du lịch năm 2020

Ông Nguyễn Quốc Kỳ nói trước mắt nguồn thu trong mùa cao điểm của ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng, phải cần thêm nhiều thời gian mới vực lại được. Ông kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng hay cả năm 2020, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có hi vọng đủ nguồn lực phục hồi khi dịch đi qua.

Cụ thể, miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong vòng 1 năm; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV/2020 và quý I/2021; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020.

Ông đề nghị các gói bảo hiểm, hỗ trợ người lao động cần đưa về các doanh nghiệp thụ hưởng, tránh đưa về các địa phương, sẽ gây khó khăn đến tay người lao động.

Doanh nghiệp du lịch mong muốn cho phép doanh nghiệp và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6/2021; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do Covid-19.

Chính phủ thành lập tổ công tác liên ngành do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chỉ đạo cùng các lãnh đạo địa phương, để thúc đẩy du lịch phát triển. Trong thời gian tới cần có chính sách kích cầu du lịch. 

Đáng chú ý, CEO Vietravel nghề nghị thử nghiệm áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ trong một năm.

Đồng thời, giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.