Thế giới tung 6.000 tỉ USD, vốn FII chờ trước cửa Việt Nam

Cơ hội thu hút hút dòng vốn ngoại gián tiếp (FII) khi ngân hàng trung ương các nước có thể sẽ in thêm 6.000 tỉ USD trong năm 2020.
Thế giới tung 6.000 tỉ USD, vốn FII chờ trước cửa Việt Nam - Ảnh 1.

hứng khoán HSC. (Ảnh: Quý Hòa).

Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, dòng vốn ETF tại Đông Nam Á tăng mạnh trong tuần thứ 3 của tháng 5 (ngày 18-22/2020), đạt mức 27 triệu USD, cao nhất trong một tháng qua.

Sự dịch chuyển đáng kể

Việt Nam là quốc gia đóng góp chính cho sự tăng đột biến của dòng vốn vào Đông Nam Á, ở mức 17 triệu USD. Trong đó, quỹ ETF VFMVN Diamond (ra mắt thị trường vào tháng 5/2020) là động lực chủ yếu, khi thu hút 14 triệu USD trong tuần trước. Có thể thấy, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sụt giảm nhẹ và đang có tốc độ hồi phục khá nhanh.

Theo ông Bùi Thế Tân, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán, Công ty Chứng khoán SSI, trong giai đoạn này, thanh khoản toàn thị trường khá ổn định, quanh mức 5.000 tỉ đồng/phiên, tăng 4% so với cùng kì năm ngoái. 

“Cơ hội này rất hiếm khi xảy ra và được so sánh với đợt khủng hoảng năm 2008, nên các nhà đầu tư mới rất tự tin để mua vào”, ông Tân nói.

Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng nhận định thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung có giảm nhưng mức độ giảm rất nhẹ so với 2 cuộc đại suy thoái trong quá khứ. Mức độ sụt giảm trong đợt khủng hoảng hiện nay khác với 2 cuộc trước đó. 

Đối mặt với khủng hoảng lần này, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã can thiệp rất nhanh và mạnh để cứu nền kinh tế khỏi trượt sâu vào suy thoái. Các gói cứu trợ hàng ngàn tỉ USD được tung vào nền kinh tế khiến dòng tiền không bị căng, thậm chí trở nên rẻ hơn nhiều so với trước.

Hành động của các chính phủ và ngân hàng trung ương vừa củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, vừa tạo ra dòng tiền lỏng dồi dào và một phần trong đó có thể quay lại đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường tài chính. Trong xu hướng đó, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội này thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến khả năng hồi phục nhanh hay chậm của nền kinh tế. 

“Trong việc đón nhận dòng vốn ngoại, sẽ chưa thể mong các tập đoàn kinh tế lớn có sự chuyển dịch nhanh vào Việt Nam, nhưng các chủ thể có quy mô trung bình và trên trung bình thì đang có sự dịch chuyển”, ông Ngoạn nhận định.

Thế giới tung 6.000 tỉ USD, vốn FII chờ trước cửa Việt Nam - Ảnh 2.

Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, nhưng muốn đạt mức cân bằng và phát triển bền vững thì vẫn phải chú trọng đến việc thu hút dòng vốn ngoại.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu bật tăng kể từ tháng 4/2020, bởi Việt Nam được nhận định là điểm đến hứa hẹn trong làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, với dòng vốn gián tiếp, cần có những giải pháp nhanh và mạnh hơn mới có thể duy trì hiệu quả chu chuyển dòng vốn.

Cờ đã đến tay

Trong một báo cáo có tên “Thu hút đầu tư gián tiếp vào Việt Nam”, VinaCapital nhận định đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII đầu tư thông qua vốn cổ phần hoặc trái phiếu) là một lĩnh vực mà Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn hậu Covid-19, khi ngân hàng trung ương các nước có thể sẽ in thêm 6.000 tỉ USD trong năm 2020 thông qua các chương trình nới lỏng định lượng.

Số tiền mới được đưa vào thị trường nhiều khả năng sẽ chảy vào các thị trường cận biên và mới nổi để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn. Dòng vốn này chắc chắn sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán. Trước đây, chỉ số VN-Index tăng gần 50% trong năm 2017 khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát hành 1.000 tỉ USD tiền mới.

Có thể thấy, đây là thời điểm tốt giúp Việt Nam thực hiện những thay đổi và cải cách để thu hút được thêm vốn FII từ dòng tiền mà các ngân hàng trung ương toàn cầu dùng để hỗ trợ cho nền kinh tế của họ.

Thế giới tung 6.000 tỉ USD, vốn FII chờ trước cửa Việt Nam - Ảnh 3.

FII ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch hiện nay chủ yếu là từ các tổ chức/nhà đầu tư tư nhân trong nước.

Đại diện VinaCapital cũng cho rằng, một vấn đề lớn nhất liên quan tới việc tiếp cận thị trường Việt Nam mà các nhà đầu tư nước ngoài thường không hài lòng là giới hạn sở hữu nước ngoài. 

Quy định về sở hữu nước ngoài đã được đơn giản hóa một phần vào năm 2015, nhưng chỉ có 82 công ty (trong số 1.700 công ty niêm yết) đã thực sự nới room ngoại. Hiện tại có 30 cổ phiếu nội đã kín room ngoại, không còn cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài mua.

“Giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài là một rào cản lớn nhất của Việt Nam trong nỗ lực được xem xét thăng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trên MSCI, qua đó thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong nước”, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư của VinaCapital, nhận xét.

Theo đó, Chính phủ nên sử dụng cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra như một lí do để thúc đẩy các cải cách có liên quan đã bị đình trệ hơn 5 năm không có lý do thuyết phục. Đầu tiên là thúc đẩy quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp hơn, đặc biệt trong những ngành như viễn thông, điện hoặc liên quan đến dầu khí. Các nhà đầu tư hi vọng lượng cổ phần bán ra ngoài thị trường sẽ lớn hơn, thay vì 3-5% mà sẽ là 20-30%.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bị chi phối bởi khối ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng, chiếm khoảng 70% vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, khối ngoại thường quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư cổ phiếu trong nhiều lĩnh vực.

Đã có khá nhiều kiến nghị nên xem xét nới room lên 100% đối với các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không hạn chế nước ngoài sở hữu cổ phần. Riêng lĩnh vực ngân hàng, có thể tăng tỉ lệ này từ mức tối đa 30% như hiện tại lên thêm 5-10% room dưới dạng cổ phiếu không có quyền biểu quyết. 

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cần hình thành thêm một số sản phẩm mới để khắc phục vấn đề room ngoại trong khi chờ Chính phủ nới room.

Chẳng hạn, nên triển khai sớm chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết để gỡ được nút thắt về giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Hay cần một cơ chế hoạt động tốt hơn cho loại hình quỹ hưu trí. 

Hiện nay, thị trường chứng khoán chưa có hoạt động đầu tư cho phần này nhưng quỹ hưu trí được xem là xương sống cho nhiều thị trường vốn toàn cầu. Nó tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường vốn phát triển ổn định và chất lượng hơn.

“Chúng tôi tin rằng những nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nguồn vốn đang được bơm vào các nền kinh tế này cũng chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam”, ông Andy Ho cho biết. Bởi vì Việt Nam mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, họ có thể hưởng lãi từ chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu ở mức 3-4% và tiền gửi có kì hạn ở mức 6-7%.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.