Truyền hình Mỹ viết về kinh tế Việt Nam hồi sinh sau đại dịch Covid-19

CNBC nhận xét việc Việt Nam đang mở cửa trở lại và những nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid - 19 có thể giúp đất nước tránh được suy thoái kinh tế đang đe doạ nhiều quốc gia trên thế giới.

"Việt Nam có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế trong năm nay, khi đã trở lại làm việc và học tập sau một thời gian cách li xã hội để phòng lây nhiễm Covid - 19", kênh truyền hình CNBC của Mỹ dẫn lời một nhà kinh tế cho biết.

Báo nước ngoài ca ngợi công cuộc chống dịch Covid - 19 của Việt Nam

"Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động từ cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu, nhưng chúng tôi kì vọng rằng họ sẽ không rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế đó, hoặc ít nhất quy mô nền kinh tế sẽ không bị co lại", Sian Fenner, chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nhận xét.

Các biện pháp đóng cửa biên giới ngay từ đầu và cách li xã hội đã giúp Việt Nam tránh được làn sóng lây nhiễm Covid - 19 lớn.

Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia hưởng lợi từ chính sách chuyển hướng chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, để tránh thương chiến Mỹ - Trung. Chuyên gia Fenner nhận định rằng những yếu tố này sẽ tiếp tục là lực đẩy cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Kênh truyền hình Mỹ: Nền kinh tế Việt Nam đang hồi sinh sau đại dịch - Ảnh 1.

Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn Covid - 19 được giải thích là do các biện pháp quyết liệt mà Chính phủ đã thực hiện ngay từ đầu, để dập dịch, cùng với kinh nghiệm đối phó với đại dịch Sars 2003. (Ảnh: AFP).

Đầu tuần này, hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam đã quay trở lại trường học sau 3 tháng nghỉ tại nhà. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại trong nước.

Mặc dù có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc - nơi đầu tiên bùng phát đại dịch Covid - 19, nhưng hiện Việt Nam chỉ ghi nhận 271 trường hợp nhiễm bệnh, và không có ca tử vong nào, trong khi dân số Việt Nam là gần 100 triệu người.

Trong 3 tuần trở lại đây, Việt Nam cũng không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.

Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn Covid - 19 được giải thích là do các biện pháp quyết liệt mà Chính phủ đã thực hiện ngay từ đầu, để dập dịch, cùng với kinh nghiệm đối phó với đại dịch Sars 2003.

Trước đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm Covid - 19, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ đối với việc đi lại, và cách li những người có khả năng nhiễm bệnh từ rất sớm. Chính phủ đã nhanh chóng đóng cửa biên giới. Bất kì ai nhập cảnh vào Việt Nam cũng đều phải trải qua cách li 14 ngày, các hoạt động du lịch đến và đi từ Trung Quốc bị dừng lại.

Ngày 20/3, Việt Nam đang đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế, trong bối cảnh xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới từ châu Âu.

Kinh tế Việt Nam sẽ tránh được suy thoái

Theo kênh truyền hình Mỹ, Việt Nam khó có thể ra lệnh nới lỏng giãn cách xã hội nếu không tự tin rằng dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

"Đây rõ ràng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế", ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực châu Á tại Capital Economics, nói.

Kênh truyền hình Mỹ: Nền kinh tế Việt Nam đang hồi sinh sau đại dịch - Ảnh 2.

Kiểm soát dịch bệnh tốt, kinh tế Việt Nam sẽ tránh được suy thoái. (Ảnh: CNBC).

Tuy nhiên, theo chuyên gia Leather, việc mở cửa trở lại không có nghĩa là nền kinh tế sẽ phục hồi hoàn toàn. Bởi theo ông, cuộc sống khó có thể trở lại ngay lập tức như thời điểm trước khi khủng hoảng xảy ra.

Nhưng lí do khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn yếu là do triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi.

"Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại, với xuất khẩu chiếm 70% GDP và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc suy thoái kinh tế chung", ông Leather cho biết.

Trong tháng 3, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 12,1% so với một năm trước. Tuy nhiên "có lẽ điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Du lịch, lĩnh vực đóng góp 4% GDP cũng sẽ vẫn ổn định", nhà phân tích cho hay.

Leather dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ chỉ đạt 0,5%, thấp hơn rất nhiều so với mức 7% trong năm 2019. Trong khi Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đang kì vọng tăng trưởng Việt Nam đạt 2,7%.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại. Trong vài ngày qua, các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia cũng đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Nhưng Đông Nam Á được cảnh bảo vẫn có khả năng trở thành điểm nóng tiếp theo của đại dịch Covid - 19, trước những lo ngại về tỉ lệ xét nghiệm thấp ở Indonesia và Philippines.

Tại Singapore, đến nay đã có hơn 18.000 ca nhiễm Covid - 19, đứng đầu trong khu vực. Đảo quốc sư tử đang phải vật lộn với sực bùng phát đại dịch trong cộng đồng người nhập cư, phần lớn trong số họ là nam giới đến từ các quốc gia châu Á khác, làm việc trong các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.