Người giàu mua bất động sản, chuyển tiền ra nước ngoài, lên kế hoạch chạy khỏi Hong Kong

Chuyển tiền ra nước ngoài, lên kế hoạch rời khỏi Hong Kong,... giới nhà giàu Hong Kong đang chuẩn bị sẵn sàng cho một tình huống tồi tệ nhất.

Một doanh nhân Hong Kong đã chuyển 10 triệu USD sang Singapore và dự định sẽ chuyển thêm. Một người khác đang để mắt tới bất động sản ở London. Các gia đình khá giả tại đặc khu tài chính này đang đua nhau mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài và xin hộ chiếu thay thế.

Những người giàu có ở Hong Kong đang chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ tài sản cá nhân, khi trung tâm tài chính này phải chịu những khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997.

Nhiều nhà đầu tư đang giảm mức độ đầu tư vào Hong Kong hoặc thực hiện các bước để đảm bảo họ có thể rút tài sản khỏi Hong Kong ngay lập tức khi có vấn đề xảy ra. Điều này đặt cho bà Carrie Lam - Trưởng đặc khu, những thách thức không nhỏ, để duy trì vị thế của thành phố như thỏi nam châm cho sự giàu có ở châu Á.

Các cá nhân giàu có ở Hong Kong thường hoạt động chính trên thị trường bất động sản và vốn cổ phần, cũng là những người mua nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc phát hành tại Hong Kong.

Người giàu Hong Kong lên kế hoạch 'tháo chạy' cho tình huống xấu nhất - Ảnh 1.

Chính quyền bà Lam đang vất vả để lấy lại hình ảnh Hong Kong tự do, an toàn trước các nhà đầu tư. (Ảnh: Bloomberg).

Các chủ ngân hàng tư nhân nói rằng khách hàng của họ đã tăng tốc chuẩn bị các kế hoạch dự phòng, sau khi Trung Quốc tuyên bố vào tháng trước rằng họ sẽ áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hong Kong.

Đạo luật này có nguy cơ làm xói mòn nền độc lập tư pháp tại thuộc địa cũ của Anh, kích động các lệnh trừng phạt từ Mỹ, và khiến các cuộc biểu tình đường phố bùng phát trở lại.

Ở phía ngược lại, Chính quyền của bà Lam cho biết luật an ninh sẽ giúp Hong Kong trở nên an toàn, ổn định. Nó sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự do hợp pháp của những cư dân Hong Kong và các nhà đầu tư quốc tế, theo luật pháp và quyền tư pháp độc lập. 

Các tỉ phú giàu có nhất của Hong Kong đã công khai tán thành luật pháp và bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của thành phố.

Tiền gửi ngân hàng ở Hong Kong đã tăng lên mức kỉ lục trong tháng 4, và tiền tệ của thành phố vẫn tiếp tục giao dịch ở mức mạnh trong khoảng cho phép so với đồng đô la, một dấu hiệu cho thấy dòng vốn đến nay vẫn liên tục.

Người giàu Hong Kong lên kế hoạch 'tháo chạy' cho tình huống xấu nhất - Ảnh 2.

Nhiều người giàu có lựa chọn rời bỏ Hong Kong để qua Anh, Australia hay Singapore sinh sống. (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, trong những căn phòng kín đâu đó tại Hong Kong, các doanh nhân và những chuyên gia có thu nhập cao đang bày tỏ sự bi quan.

Cheng, doanh nhân chuyển 10 triệu USD đến Singapore, đã bán hầu hết các tài sản của mình ở Hong Kong. Anh chưa có kế hoạch cụ thể để ra đi, nhưng đang xem xét các lựa chọn của mình. Anh và các thành viên trong gia đình đều có hộ chiếu Mỹ, Canada, Australia và Pháp.

Cheng sinh ra và lớn lên ở Hong Kong. Anh bày tỏ lo lắng về việc Trung Quốc siết chặt quản lí đặc khu và tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục gia tăng trong thành phố.

Sam, một chủ ngân hàng đầu tư cao cấp ở Hong Kong, đã quyết định rời khỏi thành phố. Người đàn ông 43 tuổi này tạm di cư sang Australia cùng vợ và hai con trai nhỏ trong khoảng 3 tháng. Đây là lần thứ hai Sam rời Hong Kong trước tình hình chính trị rối ren.

Sam lớn lên ở Hong Kong nhưng đã chuyển đến Brisbane, Australia năm 12 tuổi, sau khi cha mẹ anh bị hoảng loạn trước sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989. Anh quay lại Hong Kong 20 năm trước, vì nhận thấy tiềm năng phát triển kinh doanh ở đây.

"Nhưng những ước mơ về sự giàu có ở Hong Kong mà chúng tôi tìm kiếm đang xấu đi. Chúng tôi sẽ đóng gói hành lí và chuyển đến Australia, để những đưa trẻ có một môi trường sống tốt hơn", Sam chia sẻ.

Margaret Chau, Giám đốc chương trình nhập cư có trụ sở tại Hong Kong, thuộc công ty tư vấn nhập cư Goldmax, cho biết các câu hỏi gửi về văn phòng liên quan đến di cư đã tăng gấp 5 lần, sau khi có thông tin về luật an ninh quốc gia. Hiện tại, hầu hết các khách hàng giàu có của cô đều quan tâm đến việc lên kế hoạch cho một lối thoát, hơn là rời đi ngay lập tức.

"Họ cho thấy việc rời khỏi Hong Kong chỉ là kế hoạch dự phòng", vị Giám đốc nói.

Kerry Goh, Giám đốc điều hành Kamet Capital tại Singapore, cho biết khách hàng của ông đã chuyển từ hỏi những câu hỏi chung chung về việc rời khỏi Hong Kong sang hỏi chi tiết về mọi thứ, từ trường học, thị thực đến tài khoản ngân hàng.

"Có trời mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra ở Hong Kong vào năm 2047, thời điểm kết thúc 50 năm Trung Quốc cam kết bảo vệ quyền tự trị của đặc khu này, kể từ khi nhận bàn giao từ Anh", ông Goh nói.

"Những rắc rối của Hong Kong bùng phát thì Singapore lại càng trở thành một điểm đến thu hút", Kerry Goh cho biết thêm.

Những vùng đất xa hơn cũng đang thu hút sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng từ giới giàu có Hong Kong.

Dennis, một Giám đốc điều hành 34 tuổi tại một công ty tư vấn có trụ sở ở Hong Kong do ba mẹ anh sáng lập, nói rằng gia đình anh và nhiều người bạn của họ đã bắt đầu chuyển tiền ra khỏi thành phố. Anh đang tìm mua bất động sản ở Anh, nơi mà Dennis đã có hơn 10 năm theo học nội trú và đại học.

"Tôi có thể mua thêm một căn hộ lớn hơn nhiều ở London, vậy tại sao không?", vị doanh nhân nói. "Tôi chỉ đang cố gắng bảo vệ tiền của mình trước những rủi ro".

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.