HSBC nhận mưa 'gạch đá' khi lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong

Ngân hàng HSBC đang vướng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải làm hài lòng cả Trung Quốc và phương Tây.

Ngân hàng có trụ sở tại London đang phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ các quan chức chính phủ và nhà đầu tư phương Tây, khi Giám đốc điều hành hàng đầu khu vực châu Á của HSBC công khai sự ủng hộ đối với luật an ninh đặc khu gây tranh cãi mà Bắc Kinh đưa ra ở Hong Kong.

Trong một tuyên bố mới nhất đưa ra hôm thứ Ba (10/6), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sẽ trừng phạt HSBC, và nhận định hành động này của ngân hàng cũng sẽ không thể lấy lòng được Bắc Kinh.

Các nhà phân tích lo ngại luật an ninh mới sẽ làm xói mòn quyền tự trị mà Hong Kong đã được cam kết khi Anh trao trả cho Trung Quốc hơn 20 năm trước.

Ông Mike Pompeo là chính trị gia mới nhất công khai lên án HSBC sau khi ngân hàng này đăng tải một tấm hình lên phương tiện truyền thông xã hội tại Trung Quốc vào tuần trước, cho thấy Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương Peter Wong kí một bản kiến nghị ủng hộ dự thảo luật an ninh này.

HSBC nhận mưa 'gạch đá' khi lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong - Ảnh 1.

Ngân hàng HSBC đang vướng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải làm hài lòng cả Trung Quốc và phương Tây. (Ảnh: CNN).

Tom Tugendhat, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Vương quốc Anh, nằm trong số các nhà lập pháp tại Anh, đã đặt câu hỏi về quyết định này của HSBC.

Các nhà đầu tư của ngân hàng cũng đang bắt đầu cân nhắc. David Cumming, Giám đốc đầu tư cổ phần của Aviva Investors, một cổ đông của HSBC, cho biết trong một tuyên bố hôm 10/6 rằng: "chúng tôi không yên tâm" với những hành động của HSBC.

"Nếu ngân hàng đưa ra các quan điểm chính trị, họ phải chịu trách nhiệm với những quan điểm, tuyên bố ấy", Cumming nói.

Ngay cả trước khi bức hình gây tranh cãi được công bố, HSBC cũng đã phải đối mặt với tình huống khó khăn. Cựu lãnh đạo Hong Kong Leung Chun-Ying đã chỉ trích ngân hàng này vì sự im lặng trước dự thảo luật an ninh.

Và bây giờ, khi ngân hàng đã tỏ rõ lập trường của mình, dường như nó vẫn không thể được lòng Bắc Kinh.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 10/6 cáo buộc HSBC có một thái độ mơ hồ đối với luật an ninh đặc khu Hong Kong. Bào này chỉ ra rằng chính ngân hàng này đã tiếp tay cho Hoa Kỳ trong vụ kiện chống lại Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh đang bị quản thúc tại Canada để chờ đợi quyết định liệu có bị dẫn độ về Mỹ và đối mặt với cáo buộc gian lận tài chính, cũng như vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Chính quyền Mỹ tuyên bố hãng công nghệ Trung Quốc đã có những hành vi sai trái tại HSBC, tuy nhiên Huawei liên tục phủ nhận cáo buộc này. Trả lời Reuters, ngân hàng cho biết họ chỉ cung cấp những thông tin theo yêu cầu chính thức từ nhà chức trách.

Ngoại trưởng Mỹ lưu ý mặc dù HSBC đã tỏ ra đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong lần này, tuy nhiên họ sẽ vẫn nhận được thái độ lạnh nhạt từ giới chức Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/6 nói rằng mọi người đều có thể đưa ra quyết định độc lập dựa trên những quan điểm cá nhân.

HSBC có thể trở thành con bài mặc cả của Trung Quốc với Anh

Đứng giữa căng thẳng Trung Quốc với phương Tây luôn khiến HSBC phải đau đầu tìm giải pháp thoả hiệp.

Được thành lập cách đây 150 năm với tư cách là Tập đoàn ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải, với mục đích tài trợ thương mại giữa châu Á và châu Âu, HSBC hiện vẫn đang giữ một vai trò quan trọng trong nền tài chính khu vực.

HSBC nhận mưa 'gạch đá' khi lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong - Ảnh 2.

HSBC có thể trở thành con bài mặc cả của Trung Quốc với Anh. (Ảnh: CNN).

"Là một doanh nghiệp của Anh, HSBC có thể sẽ trở thành con tốt trên bàn đàm phán giữa Anh và Trung Quốc", Willy Lam - Giáo sư tại Đại học Hong Kong nói.

Ông lưu ý Huawei đang cố gắng thuyết phục Chính phủ Anh, rằng họ đủ tin tưởng để giúp xây dựng hệ thống mạng 5G. Tuy nhiên nếu những nỗ lực của Huawei bị các nhà quản lí tại Anh từ chối, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách trừng phạt HSBC.

Ngân hàng này từ lâu đã được biết đến nằm trong danh sách các công ty nước ngoài "không đáng tin cậy" mà Trung Quốc có thể đưa vào danh sách đen bất cứ lúc nào.

"Không có gì đáng ngạc nhiên nếu Trung Quốc sử dụng HSBC như một con bài", vị Giáo sư nói.

Trong khi đó, Washington đang cố gắng xây dựng một liên minh chống Bắc Kinh. Quyết định mới nhất của HSBC đã làm trầm trọng hơn mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tình thế HSBC đang gặp phải rất giống với cơn bão chính trị đã nhấn chìm hãng hàng không hàng đầu Hong Kong Cathay Pacific. 

Thời điểm đó, một số nhân viên của hãng bay này đã tham gia vào cuộc biểu tình chống Bắc Kinh vào năm ngoái, khiến giới chức Trung Quốc tức giận. 

Và trong khi hãng hàng không cố gắng xoa dịu các nhà chức trách, hai trong số các Giám đốc điều hành của Cathay Pacific cuối cùng cũng phải từ chức.

HSBC từ chối trả lời trước thông tin trên. Trong khi đó cổ phiếu niêm yết trên sàn Hong Kong của nhà băng này đã giảm 1,5% sau phiên đóng cửa ngày thứ Tư, 11/6.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.