HSBC dự báo ngành du lịch Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Theo HSBC, ngành du lịch đang nổi lên là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang chuyển hướng giảm phụ thuộc vào dầu thô và đang tìm kiếm những kênh tăng trưởng mới trong bối cảnh sản xuất dầu mỏ giảm sút.
Ngân hàng này dẫn lời Phó thủ tương Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội ngày 24/10, sản lượng dầu mỏ của Việt Nam trong năm 2017 sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn tương đương với với mức giảm 0,25% GDP cho mỗi tấn. Tuy vậy, ngành du lịch có thể bù đắp được lượng thiếu hụt từ dầu thô.
“Chúng tôi tin rằng đây chính là một chính sách bền vững cho Chính phủ Việt Nam khi sản lượng năng lượng hóa thạch của đất nước đang ngày càng co hẹp và ngành dịch vụ đang ngày càng phát triển”, kinh tế gia Noelan Arbis của HSBC nhận xét.
Dầu mỏ thất thế
Trong nhiều năm dầu thô là một nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế và điều này đã không còn duy trì tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Sản lượng khai thác các nhiên liệu hóa thạch đã giảm rõ rệt trong hai năm vừa qua do các mỏ dầu có năng suất thấp và thiếu hiệu quả dẫn đến đóng góp của ngành này vào GDP đã chuyển sang âm trong suốt thời gian qua.
Tình hình năm nay cũng không mấy khả quan hơn. Sản lượng dầu mỏ của Việt Nam trong tháng 9/2017 ước đạt 1,06 triệu tấn (khoảng 259.000 thùng một ngày), giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam có muốn khai thác thêm dầu để cho tăng trưởng thì cũng không được, vì phải khai thác ở vùng biển xa, chi phí lớn, trữ lượng giảm, nhất là lượng dầu có khả năng thương mại.
Hơn nữa, ảnh hưởng của dầu thô lên tăng trưởng xuất khẩu là rất nhỏ, nếu không nói là âm, trong hơn hai năm vừa qua.
Thực tế, trong vòng năm năm qua, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhờ xuất khẩu hàng điện tử và điện thoại di động tăng rất nhanh. Điều này rất khác biệt so với thập kỷ trước (2000 – 2010) khi xuất khẩu dầu thô là một trong những động lực chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cùng với mặt hàng dệt may và những hàng hóa khác ví dụ như nông sản, báo cáo nhận xét.
Nguồn: CEIC, HSBC
Theo HSBC, Việt Nam đã chuyển sang nhập khẩu ròng dầu thô lần đầu tiên trong tháng 8/2017 khi nhu cầu trong nước tăng và sản lượng lại giảm. Điều đó cho thấy có lẽ đóng góp chủ yếu nhất của ngành dầu mỏ cho nền kinh tế trong vài năm gần đây là thông qua việc thu cổ tức và thu thuế từ PetroVietnam, và các khoản này ước tính chiếm 10-20% tổng thu ngân sách.
Ngành du lịch lên ngôi
Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Chính phủ gần đây áp dụng các biện pháp mở cửa. Đơn cử như năm 2016, Chính phủ áp dụng chương trình miễn thị thực cho năm quốc gia Tây Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh). Điều này đã giúp thu hút lượng du khách từ châu Âu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng 21% so với năm trước.
Chương trình này cũng đã được gia hạn đến năm 2018, theo đó sẽ thu hút lượng khách rất lớn du lịch tới Việt Nam trong tương lai, báo cáo nhận xét.
Ngoài ra, gần 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam là từ các quốc gia châu Á khác, đứng đầu là Trung Quốc và Hàn Quốc, nhờ áp dụng quy trình cấp visa đơn giản cho công dân Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam đã đón lượng du khách kỷ lục, hơn 10 triệu người trong năm 2016 và con số này sẽ dễ dàng được vượt qua trong năm 2017.
Nguồn: CEIC, HSBC
Ngược lại với ngành khai khoáng, ngành công nghiệp không khói cũng đã tạo ra một bước ngoặc đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 26,5% so với năm 2016.
Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng hưởng lợi với tỷ lệ tăng trưởng đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2013. Đặc biệt ngành du lịch đã hỗ trợ cho các ngành vận tải và nhà ở khi ngành vận tải có mức tăng trưởng nhanh nhất trong bốn năm qua.
Tăng trưởng ngành dịch vụ cũng đã hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam, vốn có thâm hụt thương mại dịch vụ tăng lên trong nhiều năm. Điều này rất quan trọng khi áp lực từ tài khoản vãng lai ngày càng giảm tăng lên do nhập khẩu hàng hóa ngày càng nhiều, nhất là các sản phẩm dầu mỏ, thiết bị điện tử và máy móc.
Có lẽ quan trọng hơn nữa là ngành du lịch Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy nhờ vào hoạt đồng đầu tư. Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu là ở ngành sản xuất, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản sau khi Việt Nam đã nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015.
Trong một báo cáo gần đây, nhóm nghiên cứu về tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của chúng tôi đã dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu du khách. Điều này có nghĩa là ngành du lịch không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây mà còn góp phần hỗ trợ quan trọng cho việc tăng sản lượng trong tương lai.
Tác giả của báo cáo đồng ý với quan điểm của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là Việt Nam sẽ dễ dàng và bền vững hơn khi đón tiếp hơn 1 triệu du khách thay vì cố gắng khai thác 1 triệu tấn dầu thô.
Nhìn từ thực tế Thái Lan đón trung bình khoảng 25 triệu du khách mỗi năm kể từ năm 2010, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong vài năm tới nếu như chương trình miễn thị thực còn tiếp tục, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và môi trường kinh tế và chính trị tại các nước khác thuận lợi, báo cáo kết luận.