Kinh tế ban đêm - Bài 4: Làm sao để tăng 'chất'?

Việc tăng cường sản phẩm du lịch vào ban đêm sẽ khuyến khích du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu nhiều hơn…

Khi kim đồng hồ chỉ vào con số báo hiệu đã bước sang ngày mới thì cũng là lúc những chiếc xe tuần tra của công an phường gọi loa yêu cầu các cửa hàng trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm dừng hoạt động kinh doanh.

Và khi tụ điểm chơi đêm sầm uất nhất Hà Nội chìm vào "giấc ngủ sớm" thì những người khách đặc biệt là khách du lịch cũng chẳng còn lựa chọn nào khác là về đi ngủ. Đây chỉ là lát cắt nhỏ trong toàn cảnh phát triển du lịch đêm của Việt Nam, một bức tranh thiếu màu sắc, thương hiệu nổi bật để đáp ứng được nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước.

“Đỏ mắt” tìm chốn vui chơi về đêm

Đón những ngày hè chói chang của tháng 6, tôi có chuyến đi thăm vùng đất nắng và gió Quy Nhơn. Trong trí nhớ của tôi, Quy Nhơn của bốn năm trước không đông đúc, mà nay thành phố biển này đã có chút ít thay đổi về lượng nhưng chất vẫn còn đơn điệu.

Ở Quy Nhơn, trải nghiệm những chuyến tour ban ngày vẫn là check-in tại các điểm du lịch, ra đảo, bơi, lặn ngắm san hô, chụp ảnh… nhiều và chuyên nghiệp hơn nhưng không quá mới mẻ.

Điều khiến chuyến hành trình của tôi cũng như nhiều du khách ít nhiều chưa được trọn vẹn bởi thành phố biển này vẫn “đi ngủ sớm” vào buổi tối. Mỗi tối, chúng tôi đều lặp lại hành trình quen thuộc đi ăn, dạo bộ trên bờ biển và kết thúc tại một quán cà phê ven biển.

Nhìn chung sau chừng ấy năm, Quy Nhơn đã ồn ào náo nhiệt hơn nhưng sản phẩm du lịch nơi đây vẫn vậy nên một khi khách du lịch đã trải nghiệm hết có thể phải rất lâu sau họ mới muốn quay trở lại.

Đà Nẵng vốn được coi là điểm đến hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước cũng cần thêm nhiều sản phẩm hút du khách, nhất là nhu cầu giải trí về đêm.

Chị Đặng Thu Ngân, một du khách ở Hà Nội du lịch Đà Nẵng tháng 6 vừa qua, cho hay, Đà Nẵng có nhiều điểm vui chơi trải nghiệm như tắm biển, du ngoạn bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills… nhìn chung khá đặc sắc nhưng hầu hết đều diễn ra vào ban ngày, song các dịch vụ giải trí về đêm lại thiếu nếu có cũng chưa chuyên nghiệp.

"Đi xem cầu Rồng phun lửa nhiều cũng chán trong khi tầm 10 giờ đêm đường phố Đà Nẵng đã bắt đầu vắng người, còn chợ đêm không có gì hấp dẫn, sáng có gì tối có nấy. Ít quán cà phê nào mở 24/24 còn các quán bar ồn ào lại không phải ai cũng phù hợp", chị Ngân chia sẻ thêm.

Không chỉ với khách du lịch trong nước, du khách quốc tế cũng cùng chung cảm nhận về du lịch đêm ở Việt Nam. Ông Amit Bhardwaj, một du khách người Ấn Độ đang có chuyến công vụ kết hợp đi du lịch tại Hà Nôi gần 1 tháng này cho biết, sau 2 năm được quay trở lại, Hà Nội chưa có nhiều thay đổi đáng kể có thể một phần do dịch COVID-19, nhưng hầu hết các nhà hàng, quán cà phê vẫn đóng cửa trước 12 giờ đêm.

“Nếu không ra Tạ Hiện thì lại lên các quán bar, pub… ngoài các chỗ này tôi không biết phải đi đâu để giải trí vào ban đêm cả. Tôi hay đùa với đồng nghiệp rằng chúng ta nên học cách ngủ sớm khi tới Việt Nam,” ông Amit Bhardwaj nói.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cùng với các hoạt động du lịch ban ngày, hoạt động du lịch ban đêm và sản phẩm du lịch đêm ở nước ta khá sôi động tại một số đô thị và trung tâm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế…

Các loại hình, sản phẩm du lịch đêm diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, ẩm thực đêm, chợ đêm, quán bar, cafe, rạp chiếu phim, vũ trường, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố... song lại thiếu sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách, ví dụ như không có khu thương mại mua sắm xuyên đêm…

Mặc dù có được kết quả bước đầu nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam còn thiếu tính đặc sắc, chưa phát triển được như mong đợi. Nguyên nhân là do bất cập về thời gian hoạt động của các dịch vụ vui chơi giải trí đêm, thiếu quy hoạch không gian riêng, thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm, nhận thức tư duy về phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho hay, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong chuyến đi của khách. Bởi ban ngày khách chủ yếu đi tham quan các địa danh theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các tỉnh, thành có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, sản phẩm dịch vụ giải trí về đêm lại vẫn chưa được xem trọng, đầu tư. 

 Du khách thưởng thức ẩm thực tại chợ đêm Đà Lạt. (Ảnh: TTXVN).

Nâng chất sản phẩm hút khách du lịch

Việc tăng cường sản phẩm du lịch vào ban đêm sẽ khuyến khích du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu nhiều hơn từ đó giúp các địa phương tăng thu, thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm…

Nhu cầu sử dụng dịch vụ, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm của khách du lịch rất lớn sản phẩm du lịch đêm không phải chỉ loanh quanh ở mấy phố đi bộ, mấy chợ đêm bán hàng chất lượng thấp, quán bar… mà còn bao gồm hàng loạt dịch vụ như dịch vụ vận tải, thương mại, những sản phẩm mang tính sáng tạo như biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh…

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam,  muốn kinh tế ban đêm phát triển cần phải có bộ máy và cơ chế quản lý phù hợp; quy hoạch cụ thể; có không gian và thời gian thích hợp. Hay nhất và hiệu quả nhất phải tập trung vào văn hoá ẩm thực, những loại sản phẩm có tính chất địa phương.

Việt Nam có nền ẩm thực cực kỳ phong phú, trong khi đó, dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tiêu dùng ban đêm. Bên cạnh đó, không thể thiếu yếu tố giải trí, khai thác được hệ thống di tích văn hoá- lịch sử, hệ thống bảo tàng, nhà hát…

Về phía doanh nghiệp, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, để phát triển du lịch đêm, cần sự phối hợp đồng bộ, bài bản của ngành du lịch, giữa các địa phương và điểm đến, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tính liên kết rất cao.

Như ở Thái Lan, khi khách tới một chợ đêm sẽ chỉ mua trái cây của địa phương đó, không lẫn với nơi khác vừa để giúp người dân địa phương có việc làm, thu nhập vừa tạo sự khác biệt, hấp dẫn cho du khách.

Trong khi đó, Tổng giám đốc CTCP Du lịch Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, để tăng chất và sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch đêm, ngành du lịch cần phải có quy hoạch phát triển du lịch ban đêm rõ ràng, điều chỉnh sao cho phù hợp với từng địa phương.

Ngoài ra, các sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam cần sự mới mẻ, cởi mở hơn sao cho phù hợp với xu hướng thế giới những không làm đánh mất bản sắc văn hóa vùng miền. Thêm nữa, cần nghiên cứu tính toán cụ thể việc đầu tư và thu hút đầu tư vào những loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Phát triển du lịch về đêm là một trong những cách giữ chân du khách lâu hơn, đồng thời thúc đẩy gia tăng chi tiêu của khách trong thời gian lưu trú. Từ đó giúp tăng doanh thu cho nền kinh tế thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện hoá việc phát triển du lịch đêm, Việt Nam cần sự thay đổi, tiếp nhận những cái mới nhưng không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Taseco Land nắm bao nhiêu đất tại Hà Nam?
Taseco Land hiện đang đầu tư hai dự án lớn ở Hà Nam gồm KCN hỗ trợ Đồng Văn III (223 ha) và Khu đô thị mới phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên (115 ha), tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.