Sáng 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, Báo Chính phủ đưa tin.
Theo Tổng Giám đốc CMA-CGM (công ty toàn cầu trong các giải pháp về cảng biển, đường hàng không và logistic) cho rằng, các cảng biển quốc tế cũng như kết nối cửa biển vào đất liền cần thông suốt và do đó phải tiếp tục phát triển ICD, ví dụ ở Bình Dương và Đồng Nai.
Về vận tải hàng hải, CMA-CGM mong có sự hỗ trợ của Chính phủ về việc thu hút thêm các bên liên quan để có thể có quyền lưu thông trong việc khai thác đường hàng không giữa Việt Nam và Pháp.
Về phía Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch), đại diện doanh nghiệp kiến nghị 4 vấn đề có thể giúp công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam phát triển hơn.
Thứ nhất, cần nhanh chóng xét duyệt và cấp giấy phép khảo sát biển để các công việc phát triển dự án chính được khởi động. Thứ hai, cần áp dụng một cơ chế cạnh tranh chuyển tiếp trong giai đoạn này để khơi động thị trường, đồng thời giúp Chính phủ có thể thời gian để xây dựng và thiết kế một cơ chế đấu thầu hiệu quả để áp dụng cho các mục tiêu lớn hơn vào năm 2035.
Thứ ba, hợp đồng mua bán điện điều chỉnh sẽ thu hút và huy động nguồn vốn cũng như giảm giá thành của điện gió ngoài khơi. Một số cải thiện chính của hợp đồng mua bán điện chẳng hạn như là điều khoản về bồi thường cắt giảm công suất sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho điện gió ngoài khơi đối với người tiêu dùng cuối tại Việt Nam.
Cuối cùng, phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ phát triển thị trường nếu như muốn đạt được mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 vì thời gian tới đó thực sự không còn nhiều, trong khi các dự án điện gió ngoài khơi sẽ cần 6 - 8 năm để phát triển và hoàn thành.
Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiến nghị Chính phủ có một cách tiếp cận toàn diện để phát triển một khuôn khổ quy định về kỹ thuật số; thành lập Nhóm công tác chung về kinh tế số để tận dụng nguồn lực khổng lồ và chuyên môn của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.
Ông Tim Evans, CEO HSBC tại Việt Nam có khuyến nghị cập nhật các khuôn khổ pháp lý về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy các hoạt động sản xuất chuỗi cung ứng giá trị cao được triển khai tại Việt Nam để có thể đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất của của thế giới.
Cụ thể, Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ các quy định và chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút FDI.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tiềm năng và các công ty FDI hiện tại hiểu rõ hơn về môi trường địa phương. Đồng thời, phát triển cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để Việt Nam thu hút được FDI trong thời gian tới.
"Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.
Các nhà đầu tư trung bình cần 6 - 9 tháng để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trong khi kỳ vọng của họ chỉ có 3 tháng. Các nhà đầu tư tại Việt Nam được hưởng lợi từ 15 hiệp định thương mại tự do FTA đã ký, cho phép tiếp cận 55 thị trường, trong đó có 15 thị trường thuộc khối G20.
Việc tích cực quảng bá các FTA này do các Bộ, ngành liên quan thực hiện, sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng. Chúng ta cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới", thep CEO HSBC.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG), Chính phủ nên cân nhắc 4 vấn đề.
Thứ nhất, liên quan đến việc gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí sản xuất, các chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất và công nghệ, thủ tục, quy trình pháp lý minh bạch và giảm rào cản thị trường là ba bước quan trọng mà Chính phủ có thể thực hiện khi các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên điều chỉnh các ngành công nghiệp của Việt Nam theo hướng kỹ thuật số hóa và cải thiện khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo tại chỗ trong các lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường cam kết hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển thêm nhiều chương trình đào tạo được cụ thể hóa, thiết kế riêng cho từng mảng kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Thứ ba, Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip (ví dụ: các hỗ trợ về vốn tương tự như các ưu đãi được sử dụng ở Hoa Kỳ nhằm mục đích phát triển công nghiệp sản xuất chip), áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực đó.
Thứ tư, khuyến nghị có thể đưa thêm các hoạt động kinh doanh dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử vào danh mục các hoạt động kinh doanh được thực hiện trong các khu công nghiệp, và đất đai /địa điểm (cho dù bên trong hoặc bên ngoài các khu công nghiệp) có thể được quy hoạch lại để phục vụ cho các mục đích kinh doanh này.
Về phía Eurocham, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần lưu ý 3 nhóm vấn đề để cải khôi phục và tăng trưởng nền kinh tế.
Thứ nhất, về hạ tầng xanh, Việt Nam cần chú trọng xây dựng hạ tầng xanh nhanh chóng và hiệu quả. Trong lĩnh vực năng lượng, Quy hoạch điện VIII cần được phê duyệt càng sớm càng tốt, trong đó tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo ở mức tối đa.
Thứ hai là khuyến nghị về y tế và bảo vệ sức khỏe người dân. Thứ ba, Eurocham kêu gọi Chính phủ thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, đảm bảo tính nhất quán trong khuôn khổ quy định của nền kinh tế số và điều chỉnh các quy định của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, ví dụ khung quy định của châu Âu.
Còn ông Nakajima Takeo – Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho rằng, sẽ rất hữu ích nếu chính quyền địa phương nên khuyến khích đào tạo công nhân và cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại do công ty FDI cắt giảm kế hoạch đầu tư của họ do tình trạng thiếu công nhân.
Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đề cập tới vấn đề đánh thuế chuyển giá và thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA - Advance Pricing Agreement).
Cụ thể, người nộp thuế giao dịch với các bên liên quan nước ngoài có nguy cơ bị đánh thuế hai lần do việc đánh thuế chuyển giá. Do vậy, họ đã đăng ký thỏa thuận APA để ngăn chặn những nguy cơ này. Cùng với đó, Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu chi tiết về FTA để tham khảo và tham gia đàm phán hiệu quả, sớm đạt được kết quả thực chất và có phương án xử lý kịp thời.
Thứ hai, Việt Nam cần có quy định luật pháp đối với việc phòng chống "chảy máu chất xám", cần có luật phòng chống "chảy máu chất xám" đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh.
Thứ ba, KOCHAM cho rằng Việt Nam nên có chính sách thị thực cởi mở hơn để trở thành một cường quốc du lịch toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp thị thực (visa) của những người làm việc hoặc đầu tư ở Việt Nam đang trở thành trở ngại trong việc đầu tư vì hồ sơ xin giấy phép lưu trú tại Việt Nam quá phức tạp.
Đồng thời, Việt Nam cần hoạch định cơ sở hạ tầng ngắn hạn và dài hạn bao gồm hệ thống điện, đường, cầu, cống cần phải được cải thiện để hỗ trợ các dự án công nghệ cao.