Thủ tướng: Phải chấm dứt tình trạng thông thầu, bán thầu, chia cắt dự án

Chiều 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ hai của Ban Chỉ đạo.

 

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: TTXVN).

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các dự án giao thông quan trọng, dự án giao thông trọng điểm.

Cùng dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Văn Thể; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Dự tại điểm cầu các địa phương có các Bí thư, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố; đơn vị tư vấn, nhà thầu...

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị Thường trực của Ban Chỉ đạo cho biết, sau Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã tích cực tổ chức triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Theo đó, đã ban hành các Nghị quyết, Thông tư, quy chế phối hợp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các công việc cụ thể cho từng dự án bảo đảm các mốc thời gian theo chỉ đạo của Chính phủ; các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kiện toàn, nâng cao năng lực các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, rà soát nguồn cung cấp vật liệu, ưu tiên triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng.

Các bộ, ngành, địa phương kịp thời bố trí vốn cho các dự án; phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra giám sát, chú trọng quản lý chất lượng đi liền với kiểm soát tiến độ; tăng cường vận động, tuyên truyền, công khai các thông tin về chủ trương thực hiện các dự án.

Tại Phiên họp, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các công trình công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải; nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án.

Các dự án đang thực hiện đầu tư gồm: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Đồng thời, báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án gồm: ba dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 TP HCM; Dự án đường Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, các đại biểu cho biết, vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án. Trong đó, đối với công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù các địa phương, các đơn vị chủ quản đã tích cực triển khai nhưng tiến độ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có các Nghị quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chưa cam kết đủ nguồn cát đắp cho các dự án.

Các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù trong khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới và xác định chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp điều phối đất đào sang đắp trong phạm vi dự án.

Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế thủ tục triển khai đan xen giữa các thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam. Do vậy, việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài... Các khó khăn, vướng mắc trên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: TTXVN).

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là rất lớn, vì sự phát triển của đất nước, nhân dân, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng cho rằng “Đường đi đến đâu, văn minh đi đến đó. Địa phương nào giao thông phát triển,  kinh tế - xã hội phát triển”. Do đó, Đảng, Nhà nước xác định phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược. Hiện nay, Nhà nước đã dành nguồn vốn lớn để phát triển hạ tầng giao thông. Nhiệm vụ lúc này là phải thực hiện thật tốt, vì đất nước, vì nhân dân.

Theo Thủ tướng, nếu cứ làm như kiểu cũ ,với khối lượng như hiện nay, các công trình, dự án sẽ vẫn chậm. Do đó, cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy, phương pháp luận; nêu cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến thủ tục, các công đoạn, công việc. Nếu vướng mắc ở các bộ, ngành, người đứng đầu phải trực tiếp giải quyết.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng lưu ý cần phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà thầu, tư vấn giám sát, vì công việc, cam kết của mình; tổ chức tổng kết, sơ kết, nhân rộng các mô hình hay, điển hình làm tốt, tạo phong trào thi đua thực sự; tăng cường phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò của người đứng đầu, chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong công tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương, giữa nhà thầu với chủ đầu tư.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải đảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; coi trọng sự đồng thuận, nhất là đồng thuận trong nhân dân, không để khiếu kiện kéo dài trong giải phóng mặt bằng.

“Các bộ, ngành phải cử cán bộ, tích cực xuống địa phương, tới tận công trình, nắm bắt tình hình, cùng giải quyết với tinh thần vì cái chung; coi công việc, sự khó khăn của cơ quan, đơn vị, địa phương khác cũng như công việc, khó khăn của chính mình”, Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng chỉ đạo, UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện xây dựng các quy hoạch; thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Các Ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu công khai, minh bạch, chấm dứt tình trạng thông thầu, bán thầu, chia cắt dự án. Bộ Công an, cơ quan Thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật sai phạm trong đấu thầu.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành chú ý vấn đề liên quan nguyên liệu cát, sỏi, đất, đá phục vụ xây dựng các công trình. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương giải quyết kịp thời cấp phép khai thác mỏ vật liệu với các dự án đang chuẩn bị triển khai hoặc đang thi công; nghiên cứu, thí điểm sử dụng cát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào làm nền đường; quy hoạch các mỏ cát sông, bảo đảm môi trường, cảnh quan; rà soát các vấn đề giá cả, không để hiện tượng găm hàng, đội giá. Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương công bố giá các vật liệu.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: TTXVN).

Các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc, tranh thủ thời tiết tổ chức thi công ba ca, 4 kíp, đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tình; đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bổ sung một số tuyến cao tốc mới, cơ cấu lại vốn các dự án, điều chuyển vốn từ các dự án làm kém, chậm tiến độ sang các dự án làm tốt.

Đối với các dự án PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương làm đúng quy định của Nhà nước, có thể chọn những nhà đầu tư có năng lực, làm đúng quy định, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai các công việc được phê duyệt, nhất là các tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ -  La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây dứt khoát phải hoành thành năm 2022; hoàn thành và thẩm định phê duyệt các dự án liên quan thủ tục khởi công các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2; phấn đấu cơ bản nối thông dự án đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tập trung triển khai lập dự án đầu tư, phấn đấu khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước 30/6/2025.

Đối với các dự án trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM , Thủ tướng cho rằng, các Thành phố này đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, bắt đầu đi vào nền nếp, song cần phát huy làm tốt hơn, không được để tái chậm trễ; đề nghị triển khai sớm các dự án đường sắt vì càng kéo dài, càng kém hiệu quả; làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải.

Thủ tướng mong muốn các Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực, phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với nhau, giải quyết kịp thời các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình; tất cả vì nhân dân, vì đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.