Vì sao HSBC muốn rút sạch vốn dù Techcombank đang lãi lớn?

Techcombank đang phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu về hàng nghìn tỷ đồng lãi ròng, nhưng cổ đông lớn nhất là HSBC lại muốn thoái sạch vốn khiến không ít người bất ngờ.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) thông báo về việc đang xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại toàn bộ 172,32 triệu cổ phiếu (tương đương 19,41% cổ phần) do HSBC nắm giữ. Ước giá trị số cổ phiếu này đạt trên 5.000 tỷ đồng, theo mức giá hiện tại trên thị trường OTC.

Tổng số cổ phần Techcombank dự kiến mua lại từ các cổ đông, trong đó có HSBC, là 221,95 triệu cổ phiếu, tương đương 25% cổ phiếu đang lưu hành. Và ngân hàng dự kiến sẽ giữ lại để làm cổ phiếu quỹ.

Khoản đầu tư 10 năm không sinh lời

Đây là động thái của Techcombank trước mong muốn thoái sạch vốn của cổ đông lớn nhất HSBC.

vi sao hsbc muon rut sach von du techcombank dang lai lon
HSBC là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 19,41% cổ phần tại Techcombank. Đồ họa: Quang Thắng.

Việc HSBC muốn thoái sạch vốn khỏi Techcombank khiến không ít người bất ngờ. Ngân hàng này đang trên đà phát triển rất nhanh, chất lượng tài sản cũng được cải thiện đáng kể những năm gần đây.

Thậm chí, mỗi năm ngân hàng còn thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận và đang nằm trong nhóm ngân hàng thương mại dẫn đầu.

HSBC đầu tư vào Techcombank từ năm 2005 với việc mua lại 10% vốn cổ phần. Thời điểm đó, tổng tài sản của Techcombank chỉ đạt 10.666 tỷ, vốn điều lệ 617 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 286 tỷ đồng.

Sau khi nâng tỷ lệ sở hữu 15% vốn tại Techcombank vào giữa năm 2007, đến tháng 9/2008, một lần nữa HSBC chi tới 1.272 tỷ đồng (xấp xỉ 77 triệu USD) để nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.

Trong giai đoạn này, HSBC đã cử nhiều quản lý cao cấp sang Techcombank để hỗ trợ chuyển giao kiến thức chuyên môn về quy trình hoạt động. Những quản lý này cũng tham gia sâu vào hoạt động hàng ngày của Techcombank.

Tuy nhiên, kể từ năm 2012, vai trò của HSBC tại Techcombank giảm dần. Theo nhận định của CTCK HSC, nguyên nhân có thể do vì cùng là các ngân hàng hoạt động tại thị trường Việt Nam, việc HSBC cử người giúp Techcombank vô tình đã gia tăng áp lực cạnh tranh lên chính mình.

Theo thông tin từ CTCK HSC, HSBC đầu tư vào Techcombank với mức giá ban đầu là 60.891 đồng/cổ phiếu (thể hiện thông cáo báo chí của HSBC) vào năm 2005.

Sau đó, giá cổ phiếu Techcombank giảm xuống còn khoảng 26.000 đồng/cổ phiếu, và cổ đông chỉ được một số lần chia lợi nhuận bằng cổ phiếu thưởng và cổ phiếu trả cổ tức (năm 2008-2010).

vi sao hsbc muon rut sach von du techcombank dang lai lon
Tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh của Techcombank đang tăng trưởng mạnh, nhưng cổ đông lớn nhất HSBC lại muốn bán sạch vốn tại đây. Đồ họa: Quang Thắng.

Từ năm 2010 trở đi, Techcombank lựa chọn chiến lược không chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng như cổ tức tiền mặt, để tăng cường quy mô vốn chủ sở hữu. Đối với HSBC, khoản đầu tư khổng lồ của nhà băng ngoại này gần như không sinh lời.

Khó kiếm nhà đầu tư 'chịu chi' hơn 5.000 tỷ

Năm 2016, Techcombank thu về gần 3.150 tỷ đồng lãi ròng, lãi lũy kế lên tới 5.489 tỷ đồng, nhưng các cổ đông vẫn không được chia cổ tức.

Techcombank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỷ đồng lên tới 14.000 tỷ đồng trong năm 2017 thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu gần 20% tại Techcombank, HSBC sẽ phải rót thêm một khoản tiền rất lớn vào đây.

Việc HSBC muốn rút chân ra khỏi Techcombank khiến kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhà băng này phải hoãn lại. Theo nhận định của CTCK HSC, HSBC mong muốn thoái vốn ở mức giá cao hơn so với giá mua ban đầu. Do đó tổng giá trị thoái vốn ít nhất là 5.170 tỷ đồng, căn cứ theo giá trị trường hiện nay.

"Đây sẽ là gánh nặng trong ngắn hạn với Techcombank cho đến khi tìm được người mua lại số cổ phần này", HSC nhận định.

Bên cạnh đó, Techcombank không thể phát hành thêm cổ phiếu khi chưa bán ra toàn bộ cổ phiếu quỹ. Do đó, nếu muốn thực hiện kế hoạch tăng vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán, ngân hàng sẽ phải tìm kiếm đối tác chiến lược hay nhà đầu tư tài chính khác để mua lại số cổ phần của HSBC.

Và khi HSBC không còn là cổ đông, "room" ngoại tại nhà băng này sẽ bỏ trống một khoản rất lớn.

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.