Sáng nay, 8/6, 457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 94,6% tổng số đại biểu), đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Phiên họp này có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội.
Ngân hàng HSBC đánh giá EVFTA đã "mở ra một chương mới trong mối quan hệ đối tác sâu rộng giữa nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và khối thương mại lớn nhất toàn cầu". Ngân hàng khẳng định đây là "một hiệp định góp phần khẳng định vị thế tiên phong của Việt Nam trong số những quốc gia thương mại lớn trên thế giới".
Thị trường EU, với GDP 15.000 tỉ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. HSBC dự báo vị trí này sẽ được cải thiện một khi EVFTA có hiệu lực và khởi động quá trình loại bỏ 99% thuế quan lên hàng hóa.
Nói thế là bởi, 2/3 thuế lên hàng xuất khẩu từ EU sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, trong khi khoảng 71% thuế áp lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ được dỡ bỏ. Là một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, EVFTA còn bao gồm những điều khoản quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững.
Theo HSBC, hiệp định này, một mặt bảo vệ các nhà xuất khẩu Việt Nam, đồng thời tạo ra những cơ hội mới, nhưng cũng đòi hỏi phía Việt Nam cần cải tổ và thiết kế lại chuỗi cung ứng nếu muốn tận dụng hết cơ hội.
HSBC phân tích tình thế của dệt may, lĩnh vực kì vọng hưởng lợi nhất từ EVFTA. Hiện nay, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa đạt đủ tỉ lệ nguyên liệu đầu vào trong nước, để có thể đáp ứng quy định nghiêm khắc của EU về xuất xứ hàng hóa. Ngân hàng này hiến kế, Chính phủ và doanh nghiệp cần chung tay, để mở rộng ngành dệt may nội địa, bao gồm việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào, thay vì nhập khẩu từ những nước khác, nếu muốn tận dụng hết lợi thế từ Hiệp định.
Ngoài ra, sự chuyển đổi thương mại cần diễn ra song song với những thay đổi về quản trị. Các tập đoàn quốc tế đang chịu sức ép gia tăng, buộc họ phải xem xét kĩ lưỡng chuỗi cung ứng của mình, đảm bảo rằng mỗi bước đều thỏa những tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Để các công ty Việt có thể hiện thực hóa tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, HSBC cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, trong việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu, chỉ dẫn cho các doanh nghiệp về khung pháp lí mới và những cam kết của Việt Nam trong EVFTA, như các cam kết về môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và xuất xứ,…
Lợi ích mà EVFTA mang lại với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Các chuyên gia HSBC kì vọng Hiệp định có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm (dao động từ 0%-0,3%) chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực. "Chúng tôi cho rằng dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất, do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất. Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 tỉ USD hàng dệt may và da giày sang EU với thuế suất bình quân gia quyền là 9%", HSBC nhận định.
Đáng nói, EVFTA đến trong thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu sức ép chưa từng có, từ việc gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương và tác động của dịch Covid-19.
Việt Nam được hưởng lợi từ việc được coi là một phương án dự phòn,g khi các công ty đa quốc gia phải thay đổi chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại.
Ông Tim Evans, CEO của HSBC Việt Nam, phân tích: "Hiện nay, chúng ta đang có cơ hội tái định vị Việt Nam thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty, khi họ tìm kiếm một cứ điểm sản xuất tại châu Á với chi phí hiệu quả. Sự kiểm soát hiệu quả của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19 đã nâng cao vị thế của Việt Nam, và đảm bảo đất nước sẵn sàng mở cửa kinh tế trở lại trước những quốc gia khác".
Việt Nam cũng là một nền kinh tế ASEAN mà HSBC tiếp tục dự báo vẫn có tăng trưởng dương trong năm 2020, góp phần đảm bảo vị thế hấp dẫn đối với các công ty đang muốn tiến vào thị trường tiêu dùng trong nước và khu vực.
"Và giờ đây, hiệp định mới này sẽ giúp họ có được đặc quyền tiếp cận 450 triệu người tiêu dùng trong khối Liên minh châu Âu. Việt Nam đã chuẩn bị hàng thập kì cho thời điểm để có được vị thế đúng đắn trong số các quốc gia đi đầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Nếu chúng ta quyết tâm, đoàn kết, nếu chúng ta tiến hành được những thay đổi giúp tối đa hóa những lợi ích từ hiệp định thương mại mới này, chúng ta có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ đó", ông Tim Evans nhấn mạnh.
Ngày 30/6/2019, Lễ kí Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Hà Nội.
EVFTA được dự báo sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 2,18%-3,25% cho 5 năm đầu, khoảng 4,57%-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,07%-7,72% cho 5 năm sau đó. Đây còn là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Hiệp định dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm và thu từ thu nội địa tăng khoảng 7.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2020-2030.