Dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế Mỹ ra sao gần 1 tháng qua?

Đại dịch Covi-19 đang càn quét 1/4 nền kinh tế Mỹ. Nhiều chuyên gia dự đoán, ngay trong quý II/2020, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngấm đòn mạnh chỉ vì 3 quận lớn phải đóng cửa chống dịch.

Ít nhất 1/4 nền kinh tế Mỹ đột nhiên "nhàn rỗi" giữa đại dịch Covid-19. Một phân tích được thực hiện bởi The Wall Street Journal cho thấy làn sóng tạm ngừng hoạt động thương mại chưa từng có, còn các nhà kinh tế cho rằng đây là hiện trạng chưa bao giờ xảy ra trên diện rộng như vậy.

GDP Mỹ sẽ giảm 30% trong quý II/2020?

Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty phân tích kinh tế Moody Analytics, cung cấp một trong những cái nhìn toàn diện nhất về mức độ nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ngừng hoạt động trong ba tuần qua. Nó cũng phân tích các quận lớn và nhỏ từ Manhattan đến Gilpin County, Colo,…8 trong số 10 quận của Mỹ đang theo lệnh phong toả, chiếm gần 96% sản lượng quốc gia.

Theo đó, 41 tiểu bang đã ra lệnh cho ít nhất một số doanh nghiệp đóng cửa để giảm sự lây lan của virus corona. Các nhà hàng, trường đại học, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, công viên công cộng, cửa hàng và hàng triệu doanh nghiệp không cần thiết khác của các nhà cung cấp đã chốt cửa cài then. Kết quả là sản lượng hàng ngày của Mỹ đã giảm khoảng 29%, so với tuần đầu tiên của tháng 3.

Với 82% các quận ở nước Mỹ bị khóa, các nền kinh tế của các bang đang cảm thấy bị ảnh hưởng. 

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody Analytics, không tin rằng mức giảm 29% trong sản lượng hàng ngày sẽ ở yên trong hai tháng nữa. Nếu mức giảm còn sâu hơn như ông dự đoán, GDP Mỹ sẽ giảm ở mức khoảng 75% hàng năm trong quý II/2020. Ông Zandi tin rằng nhiều quận sẽ mở cửa trở lại trước mùa hè, và dự kiến mức giảm 30% hàng năm trong GDP quý II nếu đúng như thế.

Dịch Covid-19 làm Mỹ tổn thất 1/4 nền kinh tế chỉ sau 3 tuần - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 càng lâu, tỉ lệ tổn thất GDP của nước Mỹ càng lớn. (Đồ hoạ: WSJ. Việt hoá: Tất Đạt).

Hầu hết các nhà kinh tế dự kiến sản lượng sẽ tăng trở lại vào mùa hè này hoặc vào mùa thu, khi các tiểu bang mở cửa trở lại và các trường hợp nhiễm Covid-19 giảm xuống. Nhưng mức độ sụt giảm của sản lượng hàng ngày có thể kéo dài rất lâu.

Sản lượng hàng năm giảm 26% trong khoảng thời gian từ 1929 đến 1933, trong cuộc Đại khủng hoảng. Sản lượng hàng quý giảm gần 4% từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009, cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất.

"Đây là một thảm họa tự nhiên. Không có gì trong cuộc Đại suy thoái tương tự như những gì chúng ta đang trải qua", ông Zandi nói.

Tờ Wall Street Journal cho rằng, các phân tích gần như chắc chắn đánh giá thấp tổng thiệt hại do Covid-19 gây ra, vì họ chỉ nhìn vào sản lượng bị mất do đóng cửa đột ngột của các doanh nghiệp cho đến nay. Phần lớn không xem xét bao nhiêu sản lượng sẽ bị mất thêm, do giảm nhu cầu từ thất nghiệp và các hộ gia đình, kinh doanh giảm chi tiêu.

Moody ước tính rằng gần 90% ngành dịch vụ khách sạn bị đóng cửa trên toàn quốc, trong khi chỉ có 10% sản lượng dịch vụ tài chính bị ngừng hoạt động.

Dịch Covid-19 làm Mỹ tổn thất 1/4 nền kinh tế chỉ sau 3 tuần - Ảnh 2.

Dịch Covid-19 không hề có kịch bản tương tự những lần khủng hoảng kinh tế trước đó. (Ảnh: Head Topics).

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không giống như các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, như cuộc suy thoái 2007-2009. Lúc bấy giờ, suy thoái có nguyên nhân phần lớn là do sự gia tăng quá lớn của nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường bất động sản ngày càng yếu thế. Sự suy thoái đó bắt đầu với một cú sốc từ việc mất mát của cải và thu nhập hộ gia đình dẫn đến giảm chi tiêu, cuối cùng gây tổn hại cho phía cung, hoặc các doanh nghiệp.

Lần này, điều ngược lại đang xảy ra: Phía cung, các doanh nghiệp, đang đóng cửa trước, đến lượt nó làm tổn thương các hộ gia đình.

Đóng cửa 3 quận, Mỹ mất 10% GDP mỗi ngày

Ông Zandi cho biết so sánh tốt nhất với những gì nền kinh tế đang trải qua lúc này là một trận động đất lớn, hay các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, khi các hãng hàng không tạm thời ngừng bay. Trong những ngày sau các cuộc tấn công, sản lượng của kinh tế Mỹ đã giảm khoảng 111 tỉ USD theo giá hiện tại. Năm nay, trong khoảng ba tuần kể từ khi lệnh đóng cửa do nhà nước áp đặt, sản lượng đã giảm khoảng 350 tỉ USD.

"Thật giống như việc nước Mỹ đột nhiên mất đi tiểu bang Indiana trong cả năm", ông Zandi ví von.

Phân tích cho thấy nền kinh tế Mỹ đang manh mún và phân bố không đều. 1/10 của sự sụt giảm sản lượng hàng ngày được gắn với chỉ 3 quận: Los Angeles, Manhattan và Cook County, lll.

Tại quận Los Angeles, sản lượng hàng ngày đã giảm 35% do đóng cửa kinh doanh. Tại Manhattan, con số này giảm 25% và 50%  ở quận Cook. Chỉ riêng việc đóng cửa ở ba quận này đã làm giảm 10% GDP quốc gia hàng ngày. Chưa kể, thống kê gần đây bổ sung thêm mức sụt giảm từ quận Harris và Texas lên đến 27%.

Nhưng các quận nhỏ hơn cũng đang bị tấn công. 

Gilpin County, Colo, một địa điểm du lịch với dân số 6.200 người đã công bố mức giảm lớn nhất của quốc gia về sản lượng  lên đến 70%. Nhưng sự suy giảm này chỉ chiếm 0,01% trong tổng sản lượng quốc gia.

Dịch Covid-19 làm Mỹ tổn thất 1/4 nền kinh tế chỉ sau 3 tuần - Ảnh 3.

California, Texas và New York dẫn đầu các bang có thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất. (Đồ hoạ: WSJ. Việt hoá: Tất Đạt).

Mảng tối của nền kinh tế đã tăng lên khi các quốc gia liên tiếp ra lệnh ngừng hoạt động kể từ đầu tháng 3. Một phân tích riêng biệt của Nhóm Đổi mới Kinh tế, một nhóm chuyên gia tư duy, cho thấy ở khu vực 3 bang New York, New Jersey và Connecticut, sự chậm lại đang có nguyên nhân chủ yếu bởi hai ngành công nghiệp và dịch vụ: bất động sản và bán lẻ. Trong một số ngành dịch vụ, bao gồm các dịch vụ thực phẩm như nhà hàng và quán bar , cũng như nghệ thuật và giải trí, sản lượng đã giảm 3/4.

"Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã từng một mô hình tương tự trước đây, ngay cả trong thời chiến", ông Kenan Fikri, người đứng đầu nghiên cứu của Đổi mới Kinh tế cho biết.

Việc đóng cửa kinh doanh cuối cùng sẽ làm tổn thương thượng nguồn của dòng chải kinh tế, từ đó sẽ làm giảm thêm sản lượng. Bằng chứng quan trọng nhất về điều này, cho đến nay, là sa thải. Khoảng 10 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong hai tuần qua, theo số liệu của Bộ Lao động. Con số này xô đổ mọi kỉ lục trước đó. Những công nhân thất nghiệp rồi sẽ hạn chế chi tiêu, đến lượt xu hướng này làm tổn thương thêm các doanh nghiệp khác.

Mỹ đã thất thoát 701.000 việc làm vào tháng 3. Bộ Lao động cho biết đây là mức giảm trong một tháng lớn nhất kể từ đầu năm 2009. Hầu hết các công việc đó là trong các nhà hàng và quán bar, khách sạn, xây dựng, dịch vụ công, chăm sóc sức khỏe và bán lẻ.