Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan nhất là 4,2%

Đi kèm với dự báo, VEPR nhận định trong bất kì kịch bản nào, hậu Covid-19, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch.

VEPR: Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan nhất là 4,2%

Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR - trực thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cập nhật kết quả tăng trưởng GDP quý đầu năm 2020 đạt 3,82%, và cho rằng kết quả này cho thấy tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế đều suy yếu.

Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng yếu 0,08% và khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,15%.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan nhất là 4,2%, xấu nhất là -1% - Ảnh 1.

VEPR: Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan nhất là 4,2%. (Ảnh: Zing).

Tuy nhiên, theo VEPR, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam vẫn tích cực hơn so với các nền kinh tế trên thế giới và khu vực.

Đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế năm 2020, được xây dựng dựa theo khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và thế giới.

Kịch bản 1, tức kịch bản lạc quan nhất khi dịch Covid-19 trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5, và nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý II/2020.

"Bắt đầu từ quý III cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây. Cụ thể, quý II là -3,3%, quý III tới 7,2% và quý IV sẽ đạt 7,4%. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là 4,2%", đại diện VEPR cho biết.

Kịch bản 2 là kịch bản trung tính, tác động xấu nhất của Covid-19 rơi vào quý II-III, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội, do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng, nên nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý III.

Do đó, VEPR cho rằng quý II và III tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục âm, lần lượt là -4,9% và -1,1%. Bắt đầu từ quý IV cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây, khoảng 7%. Tính chung, tăng trưởng GDP năm theo kịch bản này là 1,5%.

Kịch bản 3 là xấu nhất. Tác động của Covid-19 kéo dài tới tận quý IV, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý IV/2020. VEPR cho rằng với kịch bản này, nền kinh tế chỉ có thể trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây một khi thế giới khống chế được bệnh dịch.

Cụ thể, tăng trưởng quý II và III lần lượt -5,1% và -5,3%, quý IV chỉ tăng 2,8%. Tính chung, tăng trưởng xấu nhất theo kịch bản này -1% cho cả năm 2020.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan nhất là 4,2%, xấu nhất là -1% - Ảnh 2.

Sau dịch, sự phục hồi của nhiều ngành như hàng không, du lịch tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: TTO).

Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế, do không tính hết được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

"Trong bất kì kịch bản nào, trong thời kì hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay may mặc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch", VEPR nhận định.

Giãn, miễn thuế không có tác dụng với nhóm doanh nghiệp bị phá sản vì dịch

Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách đưa ra một loạt khuyến nghị để ứng phó trước tác động của dịch bệnh Covid-19. 

Theo đó, tổ chức này khuyến nghị cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (chia thành các cấp độ chính sách hỗ trợ và cứu trợ).

"Trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương", VEPR khuyến cáo.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan nhất là 4,2%, xấu nhất là -1% - Ảnh 3.

VEPR cho rằng giãn, miễn thuế không có tác dụng với nhóm doanh nghiệp bị phá sản vì dịch. (Ảnh: Phúc Minh).

Đối với nhóm doanh nghiệp bị ngưng hoạt động, VEPR cho rằng cần khoanh hoặc ngưng các chi phí tài chính như khoanh nợ, tiền thuê đất. Sau khi bệnh dịch qua đi, nếu còn hoạt động trở lại mới khuyến khích tín dụng. Chính sách giãn hay thậm chí là miễn các loại thuế là không có tác dụng với nhóm doanh nghiệp này.

Đối với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động, cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hươớng hỗ trợ như hoãn đóng bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT, ưu đãi vốn vay nhưng phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu.

Trường hợp nhóm doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, VEPR cho rằng cần hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành, vì đây là nhóm gánh đỡ cho cả nền kinh tế.

Về dài hạn, VEPR khuyến nghị cần có những chính sách dài hơi hơn, như giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch. Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19, và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.