Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'không phải ngôi sao cô đơn'

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho rằng đường sắt Cát Linh - Hà Đông "không phải ngôi sao cô đơn" khi có nhiều tuyến buýt kết nối.
Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải ngôi sao cô đơn - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường. (Ảnh: Nam Định).

Chưa rõ khi nào đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại

Chiều 19/3, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã cung cấp một số thông tin về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo ông Trường, giá vé tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Thường trực Thành ủy thông qua.

"Chúng tôi hi vọng kì họp HĐND tới đây sẽ đưa ra quyết định về giá vé tuyến đường sắt này", ông Trường nói.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết giá vé tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông xây dựng dựa trên 5 tiêu chí.

Thứ nhất là thu nhập người dân và khả năng chi trả; thứ hai là căn cứ tính toán cạnh tranh với phương tiện khác; thứ ba là khảo sát ý kiến người dân; thứ 4 là cân đối khả năng trợ giá của nhà nước; thứ 5 là chi phí vận hành.

"Giá vé xe buýt hiện nay dưới 20km đồng giá là 7.000 đồng; từ 21-30km là 8.000 đồng và trên 30km là 9.000 đồng.

Với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, công thức tính giá vé là 7.000 đồng giá mở cửa, tăng thêm 600 đồng cho mỗi km.

Tính bình quân, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tốc độ khai thác nhanh gấp 2,1 lần xe buýt. Bởi lẽ xe buýt chịu nhiều tác động như tắc đường...", ông Trường cho hay.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải ngôi sao cô đơn - Ảnh 2.

Một số hạng mục của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang dang dở. (Ảnh: Nam Định).

Về vấn đề lái tàu, theo ông Trường, có 37 người đã được tuyển chọn sang Trung Quốc học lí thuyết 6 tháng và thực hành 6 tháng. Các lái tàu này cũng sẽ được sát hạch...

"Trong 37 người này đã bao gồm lái tàu dự phòng để không làm việc quá thời gian qui định", ông Trường thông tin.

Về vấn đề hiệu quả kinh tế, ông Trường cho biết đây là dự án đầu tư cung ứng dịch vụ công và không hiệu quả nếu đứng trên góc độ thuần túy về tài chính.

"Chúng ta cần đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội tổng hợp dựa trên các yếu tố khác như giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường", ông Trường nói.

Về vấn đề chất lượng, theo ông Trường, đây là dự án trọng điểm và được nghiệm thu từ công trình, trang thiết bị, đào tạo nhân lực...

"Chúng tôi chưa bao giờ phát ngôn về việc 1/4 khai thác thương mại nhưng mới đây, Bộ trưởng GTVT đi kiểm tra và có nói các đơn vị liên quan phấn đấu để cuối tháng 4 khai thác được", ông Trường cho biết thêm.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải ngôi sao cô đơn - Ảnh 3.

Công nhân hoàn thiện phần sơn khu vực thang máy của nhà ga đường sắt. (Ảnh: Nam Định).

"Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải ngôi sao cô đơn"

Liên quan vấn đề kết nối tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Giám đốc Trung tâm Quản lí và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc), ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết hiện có 43 tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến, chiếm khoảng 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới.

Tuy nhiên, theo ông Hải, phân bổ hoạt động của các tuyến buýt không đều, tập trung chủ yếu tại các nhà ga trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) - Quang Trung (Hà Đông), trong khi các ga nằm sâu trong nội đô (Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh) số lượng tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối.

Do vậy, Giám đốc Tramoc cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã đã xây dựng và báo cáo UBND TP phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông.

Phương án này theo nguyên tắc giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, chỉ xem xét giữ lại một số tuyến buýt để có thể kết nối trực tiếp từ Yên Nghĩa tới các khu vực xa trung tâm.

Phương án này cũng bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến; đảm bảo khoảng cách điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 500m...

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải ngôi sao cô đơn - Ảnh 4.

Vấn đề kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông được dư luận rất quan tâm. (Ảnh: Nam Định).

Đối với vấn đề kết nối, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết nếu điều chỉnh, tại ga Cát Linh có 7 tuyến buýt, Yên Nghĩa có 11 tuyến và mỗi ga khác có trung bình từ 2-3 tuyến.

"Chúng tôi không phải ngôi sao cô đơn", Tổng Giám đốc Metro Hà Nội ví von.

Nhiều hạng mục dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chậm trước giờ vận hànhNhiều hạng mục dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chậm trước giờ vận hành Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn "ngổn ngang" dù sắp khai thác thương mạiĐường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn 'ngổn ngang' dù sắp khai thác thương mại Hà Nội tính bán vé tàu Cát Linh - Hà Đông 30.000 đồng/ngàyHà Nội tính bán vé tàu Cát Linh - Hà Đông 30.000 đồng/ngày
chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.