4 tháng đầu năm nhập khẩu 45.000 tấn thịt heo, có khuất tất hay không?

Tính đến hết tháng 4, các doanh nghiệp đã nhập 45.000 tấn thịt heo so với 100.000 tấn được giao, hoàn thành 45%. Lãnh đạo Bộ Công Thương, Kế hoạch và đầu tư cho rằng con số này là còn thể hiện sự dè dặt của doanh nghiệp.

Tại họp báo Chính phủ thường kì chiều nay, 5/5, phóng viên chất vấn về việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt heo, bởi giá thịt trong nước hiện vẫn ở mức rất cao, dù Chính phủ đã liên tục yêu cầu giảm giá heo hơi từ đầu năm đến nay.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng giá thịt heo ảnh hưởng CPI, kiểm soát lạm phát nhưng giá thịt heo diễn biến theo cơ chế thị trường, quy luật cung cầu.

4 tháng đầu năm nhập khẩu 45.000 tấn thịt heo, có khuất tất hay không? - Ảnh 1.

Tính đến hết tháng 4, các doanh nghiệp đã nhập 45.000 tấn thịt heo so với 100.000 tấn đã giao. (Ảnh: Phúc Minh).

Ông Hải cho biết theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn heo năm 2019 so với 2018 giảm 21%, thậm chí một số địa phương giảm đến 50%. Trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chỉ chiếm 35% thị phần, còn lại là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ chính là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch tả châu Phi, nên nguồn cung giảm nặng nề.

Vì vậy, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng trước mắt là phải tăng nguồn cung trong nước bằng tái đàn, nhưng nguồn này đòi hỏi có thời gian. Trong khi, dịch tả châu Phi vẫn chưa hết hoàn toàn, một số địa phương chưa công bố hết dịch, con giống quá cao trong khi người dân khó khăn vì vốn.

Hiện các doanh nghiệp, địa phương báo cáo cuối năm 2020, đàn heo mới quay lại với số lượng đảm bảo thì có thể kì vọng nguồn cung ổn định.

Thứ trưởng cho biết Thủ tướng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp, Công Thương tăng cường nhập khẩu thịt heo.

Tính đến hết tháng 4, các doanh nghiệp đã nhập 45.000 tấn thịt heo so với 100.000 tấn đã giao, hoàn thành 45%. Theo quy định khi nhập phải làm thủ tục vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thịt heo nhập khẩu.

Tuy nhiên, tâm lí của người tiêu dùng lại thích sử dụng thịt heo trong nước, thậm chí giá gia cầm thời gian qua giảm nhưng nhu cầu thịt heo vẫn cao.

"Chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, thách thức lớn nhất là thói quen tiêu dùng. Đây là đặc thù thị trường khiến doanh nghiệp dè dặt, không dám nhập nhiều, không bán được, sẽ lỗ", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.

"Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp tái đàn, tiếp tục tăng cường nhập khẩu thịt heo. Thời gian tới, với sự cố gắng các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi, hi vọng từ nay đến cuối năm, có thể bình ổn như trước khi xảy ra dịch tả", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Sẽ tiếp tục thanh tra giá thịt heo, đảm bảo quyền lợi người dân

Liên quan việc thanh tra giá thịt heo liên tục ở mức cao, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết 20 doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm 35%, qua thanh tra, các doanh nghiệp không vi phạm thống lĩnh thị trường nhưng có sức ảnh hưởng lớn.

Đơn cử CP Việt Nam chiếm 19,1% thịt heo toàn quốc, gấp 5-6 lần Dabaco, CJ. Thời gian qua, các doanh nghiệp này cam kết điều chỉnh giá heo hơi xuất chuồng còn 70.000 đồng/kg, nhưng thực tế nhiều người cho biết để mua được mức giá này là không dễ.

Thứ trưởng Công Thương cho hay sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền người tiêu dùng.

Báo cáo về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 4 và 4 tháng đầu năm cho thấy, nhóm ngành này tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn; tái đàn heo còn chậm; hầu hết các sản phẩm đều giảm hoặc tăng thấp như đàn trâu giảm 2%, đàn heo giảm 13,2%.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.