Lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu heo sống về giết mổ khi heo hơi trong nước vượt mốc lịch sử 100.000 đồng/kg

Trước mắt có thể xem xét nhập khẩu heo sống từ Thái Lan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch heo sống, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá heo hơi và giá thịt heo trong nước liên tục tăng ở mức cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đồng ý phương án của Cục Thú y, cho phép nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về ổn định giá thịt heo trong nước.

Tuy đồng ý cho nhập khẩu heo sống, Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị Cục Thú y cần phân tích rủi ro nhập khẩu, dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.

Lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu heo sống để hạ giá heo trong nước - Ảnh 1.

Lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu heo sống để hạ giá heo trong nước. (Ảnh: Thanh Niên).

Theo đó, Cục Thú y sẽ phối hợp các doanh nghiệp nhập khẩu, liên hệ cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, trao đổi, thu thập thông tin nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu heo sống, phải tuân thủ quy định hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước, thực hiện cách li kiểm dịch heo sống nhập khẩu 30 ngày.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành.

Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch heo sống. Nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá heo hơi và giá thịt heo trong nước liên tục tăng ở mức cao. 

Từ đầu năm đến nay, có khoảng 67.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt được nhập về Việt Nam, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà với thịt heo đông lạnh, do thói quen lựa chọn thịt nóng ngay sau giết mổ.

Bộ Nông nghiệp cho rằng việc nhập khẩu heo sống về giết thịt là một trong những biện pháp tiếp theo, để giúp hạ giá thịt trong nước, đáp ứng thị hiếu thích ăn thịt nóng của người Việt. 

Trước mắt có thể xem xét nhập khẩu heo sống từ Thái Lan, do đây là nước có nền chăn nuôi tiên tiến, quy trình xuất nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ. Bộ Nông nghiệp khẳng định sẽ tránh hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn heo nái cả nước đạt trên 2,86 triệu con, tăng hơn 100.000 con so với cuối năm 2019. Do dịch tả heo châu Phi, đàn nái năm 2019 đã giảm mạnh so với các năm trước (thường khoảng 4 triệu con).

Tuy vậy, đàn nái cụ kị và ông bà tương đối ổn định qua nhiều năm, dù trong bối cảnh dịch bệnh. Đàn nái cụ kị và ông bà hiện vẫn giữ được khoảng 109.000 con, dự kiến tăng trưởng năm 2020 là 0,5%/tháng, tức 6%/năm, quyết định việc sản xuất giống bố mẹ và sản xuất con giống.

Hiện người chăn nuôi rất muốn tái đàn nhưng không dễ, vì heo hậu bị nuôi để sinh sản có giá khoảng 13-16 triệu đồng/con. Heo con có giá tăng cao kỉ lục, loại 6 kg/con có giá từ 3-3,6 triệu đồng/con. Giá cao, nhưng không phải người nuôi muốn là có thể mua ngay được.

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã tăng cường nhập khẩu  heo cấp bố mẹ, cụ kị, ông bà để bổ sung nguồn cung giống trong nước. 

Bộ Nông nghiệp cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường nhập khẩu heo giống, nhằm phục vụ tăng đàn và tái đàn.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.