Tại tòa đàm trực tuyến do báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề: "Đối thoại với người dân về giá điện, tiền điện", diễn ra chiều nay (5/5), nhiều người dân thắc mắc trong kì sử dụng điện tháng 4, dù không thay đổi thiết bị điện và tần suất sử dụng, thậm chí dùng ít hơn, nhưng tiền điện trong kì lại tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với các tháng trước đó.
Giải thích về điều này, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh (ĐH Bách khoa Hà Nội) - ông Nguyễn Việt Dũng, cho biết theo quy luật, từ tháng 4 đến tháng 6, TP HCM bước vào cao điểm mùa khô, trong khi khu vực phía Bắc chuyển sang hè.
Khi trời nóng bức, nhiệt độ tăng thì nhu cầu sử dụng các thiết bị như quạt, điều hòa tại các hộ gia đình cũng tăng theo.
Đặc biệt, theo ông Dũng, trong tháng 4, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, ai cũng ở nhà thì nhu cầu và thời gian sử dụng quạt, điều hòa có tăng lên.
"Điều hòa là thiết bị chiếm tỉ lớn về sử dụng điện. Máy điều hòa chiếm 30-60%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Ví dụ điều hòa 1,5 ngựa, chạy 7-8 tiếng/ngày, gia đình có vài điều hòa, các cháu ở nhà, giãn cách, tổng điện tiêu thụ tăng 300-400 số. Áp giá bậc thang 300 kWh trở lên thì khác rồi. Càng dùng nhiều thì tiền điện càng cao", ông Dũng nói.
Theo ông, hiểu nôm na, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ thì điều hòa tăng 2-3% công suất tùy nhà sản xuất máy điều hòa. Khi nhiệt độ trung bình tăng 5 độ, điện năng tiêu thụ tăng 10%. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn tiêu thụ điện.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh EVN, cho biết thêm chẳng hạn gia đình ông, tháng 3 hàng năm, dùng chỉ khoảng 200 số điện, tức trả tiền từ 300.000-400.000 đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6, khi nắng nong, lại dùng hơn 560 kWh, quy tiền theo biểu giá khoảng 1,4 triệu đồng, chênh lệch gần 4 lần.
Vì vậy, ông cho rằng cần lưu ý về máy điều hòa sử dụng trong gia đình, do chiếm nhiều lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng. Ông khuyến cáo lắp đặt hợp lí theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không nên điều chỉnh nhiệt độ quá thấp so với nhiệt độ bên ngoài. Trung bình chênh lệch khoảng 10 độ là phù hợp.
Ngoài ra, nhiều thiết bị trong gia đình sử dụng nhiều điện khác cần lưu ý là tủ lạnh, hoặc quạt, TV, nên ngắt nguồn khi không sử dụng, thay vì để chế độ chờ.
Đi kèm thắc mắc không dùng nhiều nhưng tiền điện phải đóng trong kì tháng 4 tăng gấp đôi, nhiều người cũng chất vấn ngành điện, rằng liệu có việc điều chỉnh chỉ số điện từ xa hay không. Bởi "người nhà đèn" có thể ghi số điện từ xa mà không cần phải đến trực tiếp nhà người dân.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh EVN cho biết đối với công tơ điện, khi đưa vào vận hành thương mại thì phải thông qua tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam. Trong quá trình sử dụng, 5-6 năm thì phải kiểm định lại để đánh giá sai số. Hàng năm, sở công thương đều kiểm tra xác suất, qua theo dõi, quản lí và không có công tơ nào quá hạn.
Về vệc có can thiệp chỉ số ghi điện được không, ông Dũng cho rằng nếu công tơ điện bị tác động thì có thể biết được ngay. Quá trình ghi chỉ số nếu như chỉ số thay đổi bất thường thì điện lực kiểm tra, phúc tra để xác định. Theo ông, hệ thống hiện nay được quản lí rất chặt chẽ.
Một đại diện khác của ngành điện thì khẳng định thêm 52% công tơ điện hiện nay là công tơ điện tử, tất cả công tơ điện tử này chỉ mới cho phép đọc chỉ số điện từ xa. Vị này khẳng định hoàn toàn không có chiều ngược lại, tức điều chỉnh được chỉ số ghi điện mà người dân thắc mắc, và hệ thống cũng không thể tác động được đến việc đo đếm số điện.
Riêng các công tơ điện cơ thì việc ghi chỉ số vẫn diễn ra như từ trước đến nay, tức ghi chỉ số điện theo hình thức thủ công.
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết trong thời gian qua, nhiều khách hàng đã khiếu nại việc tiền điện tháng sau tăng hơn trước. Sau khi nhận thông tin, qua trung tâm khách hàng, ngành điện lực thành phố đã tìm hiểu nguyên nhân.
Theo đó, tháng 3 ghi số tiêu thụ điện năng tháng 2, mà số ngày trong tháng thấp hơn 2 ngày, chênh lệch khoảng 7%. Trong khi tháng 4, nhiệt độ tăng cao, do giãn cách xã hội, cha mẹ, con cái đều ở nhà sử dụng điện cao hơn.
Điện lực TP HCM cho biết liên quan công tơ điện, qua kiểm tra 99% công tơ điện chính xác, theo đúng quy trình và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng là chi cục quản lí đo lường chất lượng.
Bộ Công Thương đã giảm giá điện trên 2.900 tỉ đồng cho người dùng bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), khẳng định tại buổi đối thoại, lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất là vào ngày 22/3/2019, tức không có chuyện tăng giá điện từ đầu năm đến nay, để trả lời thắc mắc của một số người dùng về việc tăng giá điện.
Ông Tuấn thông tin thêm theo Nghị quyết 41 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã giảm giá điện trên 2.900 tỉ đồng cho các đối tượng khách hàng sản xuất kinh doanh, khách hàng sinh hoạt, cơ sở cách li dịch Covid-19. Tổng tất cả các khoản miễn giảm tiền điện trong mùa dịch là trên 11.000 tỉ đồng.
Trường hợp khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, thì tiền điện sẽ được giảm từ kì hóa đơn tháng 5/2020.