Nhà máy chế biến thịt đóng cửa vì công nhân mắc dịch Covid-19, Mỹ đối diện với tình trạng thiếu thịt trầm trọng, giá heo đang tăng kỉ lục

Việc ngừng hoạt động của nhà máy sản xuất thịt đang khiến Mỹ gần như lâm vào tình thế nguy hiểm vì thiếu nguồn đạm quan trọng hàng đầu. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 hiện đang lan sang các nhà cung cấp trên khắp châu Mỹ.

Tuần rồi, Thời báo New York cảnh báo, an ninh lương thực của Mỹ đang có dấu hiệu căng thẳng, khi ngày càng nhiều công nhân bị nhiễm Covid-19 trong các nhà máy chế biến thịt, nhà kho và cửa hàng tạp hóa.

Sự lây lan của virus qua ngành công nghiệp thực phẩm dự kiến sẽ gây ra sự gián đoạn trong sản xuất và phân phối một số sản phẩm thiết yếu như thịt heo. Các vấn đề về an ninh lương thực đã xảy ra, sau gần một tháng người dân Mỹ cuống cuồng dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Điều này như đang thách thức mạng lưới cung ứng thực phẩm của Mỹ hơn bao giờ hết.

Các nhà hàng có thể hết sạch thịt bò tươi trong tuần tới

Bloomberg đưa tin, Mỹ đã giảm gần 1/3 công suất sản xuất thịt heo, các nhà máy gia cầm lớn đầu tiên cũng đóng cửa vào ngày 24/4. Các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt thịt trong nước chỉ còn vài tuần nữa là quá giới hạn.

Brazil, nguồn cung cấp thịt gà và thịt bò số 1 thế giới, đã phải đóng cửa hàng loạt nhà máy lớn, mà mở màn là việc tạm dừng một nhà máy gia cầm thuộc sở hữu của JBS SA, công ty thịt lớn nhất thế giới. Các hoạt động chính của công ty này cũng giảm ở Canada.

Tổng cộng, Mỹ, Brazil và Canada chiếm khoảng 65% giao dịch thịt trên thế giới. Việc chuỗi cung ứng thịt tại khu vực này đang có dấu hiệu đứt đoạn khiến thị trường đặt nghi vấn về khủng hoảng an ninh lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Giá thịt heo Mỹ tăng kỉ lục sau 8 năm do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Người tiêu dùng đang trả số tiền cao hơn để mua được thịt dù đang trong giai đoạn thất nghiệp, nợ nần. (Ảnh: Bloomberg).

Brett Stuart, Chủ tịch của công ty tư vấn Global AgriTrends, cho biết: "Đây là một tình huống thua thiệt trăm đường, khi chúng ta chứng kiến các nhà sản xuất đang có nguy cơ mất hết tất cả mọi thứ, và người tiêu dùng sẽ phải trả mức giá cao hơn cho một khay thịt. Các nhà hàng có thể hết sạch thịt bò tươi trong một tuần tới".

Tại Mỹ, tốc độ đóng cửa các nhà máy sản xuất thịt đang diễn ra như chạy đua với sự thèm khát của người tiêu dùng. 

Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt heo số 1 thế giới, cho biết họ sẽ đóng cửa một nhà máy ở Illinois. Tin tức này xuất hiện chưa đầy một giờ sau khi Hormel Food Corp cho biết họ đành để hai nhà máy gà tây Jennie-O của mình ở Minnesota phải chốt cửa. Một cơ sở giết mổ heo lớn ở Indiana cũng sẽ ngừng hoạt động. 

Chỉ trong một ngày thứ sáu vừa rồi, toàn nước Mỹ có đến 4 nhà máy thịt phải sập cửa.

Trong tình cảnh đó, giá thịt các loại đang tăng mạnh tại Mỹ. Thịt bò bán lẻ đã chạm mức kỉ lục trong tuần này, và thịt heo bán lẻ cũng tăng vọt 29%, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2012.

Giá thịt heo Mỹ tăng kỉ lục sau 8 năm do dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Giá thịt heo tại Mỹ đang tăng kỉ lục, ngang ngửa giá trong giai đoạn dịch tả heo châu Phi hoành hành toàn cầu. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Jersey Mike's Franchise Systems có 1.750 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, đang hợp tác với nhà cung cấp thịt giăm bông Clemens Food Group, để đảm bảo cung cấp thịt heo trên toàn quốc. Peter Cancro, CEO Jersey cho biết: "Chúng tôi đang lên kế hoạch dữ trự thịt giăm bông, vì sắp tới thịt heo thể nào cũng bị thiếu hụt".

Tại Brazil, nhà máy gia cầm Passo Fundo của JBS ở bang Rio Grande do Sul, đã được lệnh đóng cửa sau khi 36 công nhân có kết quả dương tính với virus Sars-CoV-2. Bảo vệ nhân viên luôn luôn là mục tiêu đầu tiên của JBS kể từ khi đại dịch bắt đầu. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân theo nguyên tắc đó, và tin tưởng rằng các hoạt động trong Passo Fundo sẽ sớm được nối lại", phát ngôn viên của JBS tuyên bố

Việc đóng cửa nhà máy thịt gà diễn ra trong bối cảnh các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Brazil tăng vọt.

"Các công ty thịt của Brazil đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp phòng ngừa, nhưng chúng tôi không thấy sự tiến bộ trong việc này. Họ không sẵn sàng thay đổi số lượng công nhân trong cùng một ca, và chúng tôi lo lắng về điều đó", ông Jose Modelki Junior, người phát ngôn của Contac, đại diện cho các công nhân ngành công nghiệp thực phẩm, cho biết.

Kho thịt đông lạnh Mỹ chỉ trụ được trong 2 tuần

Để ứng phó, một số nhà máy đang cố gắng hoạt động trở lại, sau khi kiểm tra lao động và cải thiện điều kiện an toàn. Niềm hi vọng lớn nhất lúc này là hầu hết các cơ sở sản xuất của Brazil vẫn đang hoạt động.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, mạng lưới sản xuất thịt của châu Âu vẫn đang hoạt động tốt. Liên minh châu Âu chiếm khoảng 1/5 xuất khẩu thịt toàn cầu, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành từ Tyson Food, JBS và Smithfield Food đều cảnh báo, rằng người tiêu dùng có thể cảm nhận rõ sự khan hiếm thịt ngay tại cửa hàng tạp hóa.

Các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng cũng không nên lo ngại khi mua thịt được sản xuất từ các nhà máy có công nhân nhiễm bệnh, vì Covid-19 không lây qua thực phẩm. Sản phẩm từ một trang trại hoặc nhà máy sản xuất có dịch vẫn có thể được gửi đi để phân phối.

Giá thịt heo Mỹ tăng kỉ lục sau 8 năm do dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Người tiêu dùng nên an tâm vì Covid-19 không lây qua thực phẩm. (Ảnh: LA Times).

Nhưng việc ngừng sản xuất của các nhà máy thịt sẽ gây ra tình trạng không có nguồn cung mới. Nhiều người đang hi vọng vào lượng thịt dự trữ, nhưng các khay thịt từ kho lạnh có thể chẳng thấm là bao so với nhu cầu sử dụng.

Tổng nguồn cung thịt của Mỹ trong các cơ sở bảo quản lạnh tương đương với khoảng hai tuần sản xuất. Với hầu hết các nhà máy ngừng hoạt động ít nhất 14 ngày, kho thịt lạnh của nước này khó có thể cầm cự lâu.

Việc hàng loạt nhà máy thịt đóng cửa diễn ra vào thời điểm nguồn cung thịt toàn cầu đã bị thắt chặt. Trước đó Trung Quốc, nhà sản xuất heo hàng đầu thế giới, đã chiến đấu với sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi, khiến đất nước này mất hàng triệu con heo. Thêm vào đó, virus đang tấn công nguồn cung thịt vào thời điểm một số công ty đang thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sản xuất, vì các nhà hàng trên khắp thế giới đang phải đóng cửa.

Dịch Covid-19 cũng khiến các lò mổ đóng cửa và nông dân không có nơi bán động vật của mình. Chính vì vậy buộc người chăn nuôi phải bỏ chuồng trại làm nguồn cung thêm căng thẳng. Bloomberg bình luận: "Đó là đòn độc ác nhất của Covid-19 đối với chuỗi cung ứng thịt, một mặt, gia súc và gia cầm đang bị vứt bỏ, một mặt các kệ hàng tạp hóa lại đang trống rỗng khay thịt".

Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa giải thích được lí do tại sao Sars-CoV-2 lây lan rất nhanh trong nhân viên nhà máy thịt. Một số nhà phân tích đã trích dẫn thực tế rằng, đây thường là những công việc lương thấp, nhân công chủ yếu là người nhập cư và người di cư. Người lao động có thể sống trong các khu nhà chật chội, đôi khi nhiều gia đình cùng ở chung một căn trọ. Vì vậy nếu một người bị bệnh, căn bệnh này có thể lây lan nhanh chóng.

Giá thịt heo Mỹ tăng kỉ lục sau 8 năm do dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhà máy sản xuất thịt ở Mỹ trở thành môi trường lây dịch Covid-19 lí tưởng. (Ảnh: Bloomberg).

Nhân viên cũng có vị trí rất gần nhau trong công việc. Tại một số dây chuyền, công nhân đứng san sát nhau, khoảng cách 2m là điều vô nghĩa. Ngay cả khi công nhân trải ra và đứng vị trí so le, dịch bệnh vẫn có cơ hội lây lan trong phòng nghỉ và hành lang.

Đồng thời, các nhân viên của chính quyền liên bang Mỹ chịu trách nhiệm kiểm tra các nhà máy thịt đang bị bệnh. Hơn 100 nhân viên trong bộ phần này đã bị nhiễm Covid-19. Ít nhất có 2 trường hợp tử vong.

Nhân viên tầm soát dịch thường đi lại giữa các cơ sở sản xuất thịt. Điều đó làm tăng thêm nỗi lo sợ rằng việc đóng cửa nhà máy sẽ tiếp tục xảy ra, nếu một nhân viên liên bang bị bệnh mang mầm bệnh đến các nhà máy chưa có dịch.