Vì sao giá heo hơi giảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá 140.000-280.000 đồng/kg?

Giá heo hơi được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm xuống 70.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn, nhưng giá bán lẻ tại các chợ và siêu thị vẫn không thay đổi so với trước đây, dao động từ 140.000-280.000 đồng/kg tùy loại.

Giá thịt heo vẫn ngất ngưởng tối đa 280.000 đồng/kg

Đầu tháng 4, theo cam kết với Phó Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như CP Việt Nam, Japfa, Dabaco… giảm giá heo hơi về 70.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn mức này.

Quyết định của các "ông lớn" được kì vọng sẽ làm giảm giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng, phần nào giảm bớt chi phí trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến nhiều người mất việc, giảm thu nhập.

Vì sao giá heo hơi giảm nhưng đến tay người tiêu dùng vẫn 140.000-250.000 đồng/kg? - Ảnh 1.

Thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao, từ 140.000-280.000 đồng/kg. (Ảnh: Phúc Minh).

Tuy nhiên, thực tế, giá thịt heo bán lẻ đến tay người dân vẫn rất cao, không thay đổi so với trước đây. Giá thịt heo tại chợ vẫn được bán từ 140.000-150.000 đồng/kg thịt đùi. Sườn non 220.000 -240.000 đồng/kg..

Trong khi đó, các siêu thị đang bán thịt heo với giá bình ổn, theo khảo sát cũng tương đương so với thời điểm Tết Nguyên đán. Thịt đùi 163.000 đồng/kg, thịt ba rọi thường 179.000 đồng/kg, loại thịt ba rọi rút sườn có giá lên đến 250.000 đồng/kg. Giá sườn non cao nhất đến 289.000 đồng/kg.

Tại kênh bán lẻ siêu thị, thỉnh thoảng, các doanh nghiệp có áp dụng giảm giá cho một số loại thịt heo, tuy nhiên thời gian khuyến mãi cũng chỉ kéo dài vài ngày, sau đó quay trở về mức giá cũ.

Vài ngày qua, trái với cảnh nhộn nhịp những hôm trước ngày 1/4, tức thời điểm chính thức áp dụng các biện pháp cách li xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng, khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vắng hoe, dù rơi vào các giờ cao điểm như sáng sớm và tan tầm.

Người mua vắng nên các sạp thịt heo cũng ế khách. Nhưng dù ế, người bán vẫn không giảm giá thịt heo. 

Một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu khẳng định giá heo hơi giảm ở đâu không rõ nhưng hàng ngày bà lấy của mối vẫn không thay đổi, nên không thể giảm giá cho người tiêu dùng. Theo tiểu thương này, mức giá hiện nay của các sạp thịt trong chợ là tương đương nhau.

Bà cũng nói thêm thông thường, với giá giảm tại chuồng chỉ vài nghìn đồng mỗi kg, qua các khâu trung gian từ thương lái, lò mổ, bán sỉ rồi đến tay bà thì "cũng như không", nên mức giá bán lẻ vẫn không thể giảm cho các bà nội trợ.

Ngày 8/4, Ban quản lí chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), cho biết số lượng heo về chợ đầu mối TP HCM đang giảm từng ngày.

Cụ thể, trong ngày 8/4, heo về chợ giảm kỉ lục với 2.260 con, tương đương 147 tấn. Con số này thấp hơn hôm 7/4 là 2.288 con (149 tấn). Giá heo hơi về chợ đứng giá 70.000 đồng/kg từ đầu tháng 4 đến nay nhưng giá thịt lại đang có xu hướng tăng.

Llượng heo về chợ ít, đã đẩy giá heo mảnh tăng. Hiện heo mảnh loại 1 có giá 105.000 đồng/kg, heo mảnh loại 2 có giá 100.000 đồng/kg. Giá heo pha lóc ngày 8/4 đã tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg so với một ngày trước đó.

Cụ thể, sườn non có giá 180.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg); cốt lếch 105.000 đồng/kg (tăng 10.500 đồng/kg); giò trước giá 90.000 đồng/kg (tăng 13.000 đồng/kg); nạc, đùi rọ giá lần lượt 110.000 và 130.000 đồng/kg (tặng 10.000 đồng/kg).

Vì sao giá thịt heo vẫn cao?

Lí giải về nguyên nhân giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nguyên nhân thứ nhất, với lượng thịt heo đang có hiện nay vẫn chưa đủ lượng thịt để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. 

Thống kê đến ngày 5/4, cả nước có 90% số xã tại 44 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh các ổ dịch tả heo châu Phi. Còn tại 19 tỉnh, thành phố đang có dịch thì có 95% số xã có ổ dịch đã 30 ngày không có heo chết. 

Vì sao giá heo hơi giảm nhưng đến tay người tiêu dùng vẫn 140.000-250.000 đồng/kg? - Ảnh 2.

Các siêu thị cũng đưa ra giá giảm cho thịt heo bán lẻ nhưng phụ thuộc vào thời gian khuyến mãi. (Ảnh: Phúc Minh).

Dự kiến đến quý III, có thể cân đối được cung cầu thịt heo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay trước khi có dịch, mỗi quý cần tới 910.000 tấn, trong khi hiện mới  dần phục hồi và đạt 820.000-830.000 tấn. 

Bộ trưởng nhấn mạnh như vậy phải đến 3 tháng cuối năm, mới đạt được sản lượng 910.000 tấn. Ông nói thêm nguyên nhân thứ hai là giá thành sản xuất cao vì người nuôi phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học. 

Ví dụ, giá heo giống loại 20 kg tại vùng chăn nuôi lớn nhất nước là Đồng Nai đang lên tới 3,2 triệu đồng/con, cộng với chi phí thức ăn, thuốc men, vaccine, điện nước, nhân công chăm sóc khoảng 3 triệu đồng/con đã đưa giá thành sản xuất 1 con heo hơi lên tới 6,2 triệu đồng/con (100 kg), nên nếu giảm giá bán heo hơi còn 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi không có lãi.

Người chăn nuôi muốn giảm chi phí sản xuất bắt buộc phải gây dựng lại đàn heo nái, tuy nhiên, giá heo nái hiện nay rất đắt đỏ, dao động từ 10-11 triệu đồng/con.

Đặc biệt, ông cũng cho rằng hiện còn rất nhiều khâu trung gian đẩy giá thịt heo bán lẻ lên cao dù ngày 1/4 vừa qua, 15 doanh nghiệp lớn đã đưa giá heo xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg.

Ông nói thêm lượng heo ở những doanh nghiệp này chưa đủ sức chi phối giá cả thị trường. Bởi do không đủ nguồn cung nên thương lái vẫn phải tìm mua heo trong các hộ chăn nuôi với giá dao động từ 77.000-80.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ, bán hàng nhỏ lẻ nên người tiêu dùng chưa được hưởng giá thịt heo xuống thấp như mong muốn.

Tăng cường kiểm soát, giảm bớt khâu trung gian

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp gốc rễ lúc này vẫn là tập trung tái đàn, tăng đàn. Cùng với đó, việc tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương trong giảm bớt khâu trung gian từ sản xuất-chế biến-tiêu dùng thì mới có thể giảm giá thịt phù hợp với người tiêu dùng.

Vì sao giá heo hơi giảm nhưng đến tay người tiêu dùng vẫn 140.000-250.000 đồng/kg? - Ảnh 3.

Bộ Nông nghiệp sẽ tăng cường nhập khẩu thịt heo. (Ảnh: Phúc Minh).

Còn trước mắt, giải pháp nhập khẩu thịt được tính đến để bảo đảm nguồn cung trên thị trường. Hiện trên thị trường đã có thịt heo nhập khẩu của Nga với chất lượng cao và giá thành cạnh tranh với sản phẩm nội địa.

Cuối tháng 3, Tập đoàn Miratorg (Nga) đã làm các thủ tục xuất khẩu trên 3.465 tấn thịt heo, thông qua 15 doanh nghiệp của Việt Nam. Trong đó, 1.490 tấn thịt heo đã cập các cảng Cát Lái, Phước Long (TP HCM) và Hải Phòng, đang chờ kiểm dịch. 

Miratorg hiện là doanh nghiệp sản xuất thịt heo lớn nhất Liên bang Nga. Doanh nghiệp này kì vọng trong năm nay sẽ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam trên 50.000 tấn thịt heo, tăng dần ở các năm tiếp theo.

Trong lúc nhiều hộ chăn nuôi e dè vì giá heo giống cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị các tỉnh, thành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho đối tượng chăn nuôi, đặc biệt là bà con nông dân sản xuất nhỏ được tiếp cận các nguồn lực để vực dậy ngành chăn nuôi heo trong nước.