Ngày càng nhiều công nhân nhiễm Covid-19 trong nhà máy chế biến thịt, nhà kho và cửa hàng tạp hóa, an ninh lương thực của Mỹ có nguy cơ căng thẳng

An ninh lương thực, nhất là mạng lưới thực phẩm của Mỹ, có nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng vì số ca nhiễm Covid-19 tại các kho chế biến và cửa hàng tạp hoá ngày càng tăng cao. Đây là hệ quả cho việc công nhân không được cấp khẩu trang và không được giữ khoảng cách đủ xa.

Theo Thời báo New York, an ninh lương thực của Mỹ đang có dấu hiệu căng thẳng, khi ngày càng nhiều công nhân bị nhiễm Covid-19 trong các nhà máy chế biến thịt, nhà kho và cửa hàng tạp hóa.

Mạng lưới thực phẩm Mỹ tắt lịm vì công nhân nhiễm Covid-19

Sự lây lan của virus qua ngành công nghiệp thực phẩm dự kiến gây ra sự gián đoạn trong sản xuất và phân phối một số sản phẩm thiết yếu như thịt heo. Các vấn đề về an ninh lương thực đã xảy ra sau gần một tháng người dân Mỹ cuống cuồng dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Điều này như đang thách thức mạng lưới cung ứng thực phẩm của Mỹ hơn bao giờ hết.

Các nhà lãnh đạo và quan sát viên trong ngành thừa nhận rằng sự thiếu hụt có thể gia tăng, nhưng họ khẳng định đó chỉ là "một sự bất tiện" hơn là "một vấn đề lớn". Mọi người sẽ có thực phẩm đủ ăn, nhưng không còn đa dạng như thông thường. 

Chính quyền khẳng định việc cung cấp thực phẩm vẫn dồi dào với hàng trăm triệu kg thịt trong kho lạnh. Không có bằng chứng cho thấy virus corona có thể được truyền qua thực phẩm hoặc bao bì của nó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

An ninh lương thực của Mỹ có nguy cơ thủng lưới vì Covid-19 - Ảnh 1.

Các kệ hàng thực phẩm tại Mỹ luôn trong tình trạng trống trải kể từ khi có dịch Covid-19. (Ảnh: NYT).

Tuy nhiên, căn bệnh này có khả năng gây ra sự thiếu hụt kéo dài hàng tuần cho một vài sản phẩm, tạo thêm sự lo lắng cho người Mỹ trong việc dự trữ các mặt hàng chủ lực có nhu cầu cao như bột mì và trứng.

Christine McCracken, một nhà phân tích ngành công nghiệp thực phẩm, cho biết: "Bạn có thể không có được những gì bạn muốn. Người tiêu dùng vẫn có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, nhưng thực tế là trong thời gian ngắn, chúng ta không có lao động để đáp ứng điều đó".

Một trong những dấu hiệu đáng kể nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, là khi Smithfield Food trở thành công ty mới nhất tuyên bố ngừng hoạt động. Họ sẽ đóng cửa nhà máy chế biến tại Sioux Falls, sau khi 230 công nhân bị nhiễm virus. Nhà máy này sản xuất hơn 5% thịt heo của nước Mỹ.

"Sự đóng cửa của cơ sở này, kết hợp với một danh sách ngày càng tăng các nhà máy khác đã đóng cửa trong ngành công nghiệp của chúng tôi, đang đẩy đất nước gần sát bờ vực cạn kiệt về nguồn cung thịt", ông Keneth M. Sullivan, Giám đốc điều hành Smithfield Food, tuyên bố.

Tính đến cuối tuần rồi, các trường hợp nhiễm Covid-19 của nhà máy đã chiếm hơn một nửa tổng số của bang Nam Dakota, Thống đốc Kristi Noem xác định. Bà gọi vụ dịch là một thống kê đáng báo động và yêu cầu Smithfield đóng cửa cơ sở này trong hai tuần.

An ninh lương thực của Mỹ có nguy cơ thủng lưới vì Covid-19 - Ảnh 2.

Smithfield Food đóng cửa nhà máy để lại lỗ hỏng 5% trong sản lượng thịt toàn quốc. (Ảnh: NYT).

Các vấn đề tại nhà máy thịt heo Sioux Falls cho thấy lỗ hổng của ngành chế biến thực phẩm đối với sự bùng phát đại dịch. Nhân viên thường xuyên "kề vai sát cánh" và một số công ty chỉ cấp phép nghỉ bệnh cho những nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Điều đó có khả năng lây nhiễm cho hàng ngàn công nhân khác trong nhà máy.

Trước đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm khác đã phải đóng cửa các nhà máy. JBS USA, nhà chế biến thịt lớn nhất thế giới, đã đóng cửa một nhà máy ở Pennsylvania trong hai tuần. Tuần trước, Cargill đã đóng cửa một cơ sở ở Pennsylvania, nơi họ sản xuất bít tết, thịt bò xay và thịt heo xay. Tyson cũng đã dừng hoạt động một nhà máy thịt heo ở Iowa sau khi hơn hai chục công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2.

Karan Girotra, một chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học Cornell cho biết: "Lao động sẽ là điều lớn nhất có thể vỡ trận. Nếu một số lượng lớn người bắt đầu bị bệnh ở vùng nông thôn nước Mỹ, coi như mạng lưới thực phẩm tắt lịm".

Nhân viên cửa hàng không có khẩu trang, không giãn cách xã hội

Ở đầu kia của chuỗi cung ứng, các cửa hàng tạp hóa cũng đang đối phó với tình trạng gia tăng bệnh tật trong công nhân, cũng như sự vắng mặt của những người ngại đi làm.

Dù các công ty tha thiết kêu gọi và "công tác tư tưởng" về vai trò của họ trong việc nuôi sống đất nước, nhưng các nhân viên cửa hàng tạp hóa lại phải đi hàng tuần mà không được cung cấp khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác.

Một số công ty thực phẩm đã chậm cung cấp, trong khi những người khác đã thử nhưng nhận được thông báo rằng đơn đặt hàng của họ bị chuyển cho ngành y tế, nơi cũng có nhu cầu rất lớn. 

Một số nhân viên nói rằng họ vẫn đang chờ đợi để được cung cấp khẩu trang, bất chấp các hướng dẫn về sức khỏe của liên bang khuyến nghị mọi người nên đeo một chiếc ở nơi công cộng.

An ninh lương thực của Mỹ có nguy cơ thủng lưới vì Covid-19 - Ảnh 3.

Người dân Mỹ vẫn tiếp tục đến siêu thị, cửa hàng tạp hoá trữ đồ. (Ảnh: NYT).

Các nhân viên cũng phải đối mặt với một mối đe dọa từ việc họ tiếp xúc với khách hàng, những người tiếp tục điên cuồng dự trữ thực phẩm. Một số nhân viên xác nhận họ không chỉ không được đeo khẩu trang mà còn không giữ được khoảng cách an toàn.

Không có cơ quan chính phủ theo dõi bệnh dịch trong số các công nhân ngành công nghiệp thực phẩm trên toàn nước Mỹ. Liên minh Công nhân Thực phẩm và Thương mại Quốc tế (UFCW), đại diện cho 1,3 triệu cửa hàng tạp hóa, chế biến thực phẩm và nhân viên đóng gói thịt, cho biết rằng ít nhất 1.500 thành viên của họ đã bị nhiễm virus và 30 người trong số họ đã chết.

Marc Perrone, Chủ tịch của Liên minh nhận định: "Covid-19 đại diện cho mối nguy hiểm rõ mồn một trước mắt đối với các công nhân và nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia chúng ta".

Ngay cả trước khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng trong ngành, chuỗi cung ứng thực phẩm Mỹ đã được kiểm tra mạnh mẽ. Các tài xế xe tải, nghề vốn khan hiếm trước đại dịch, giờ lại không thể giao hàng đủ nhanh. Các nhà máy sản xuất xúc xích và nông dân chăn nuôi bò sữa đã đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng với làn sóng mua hàng hoảng loạn.

Vào một số ngày trong tuần, người tiêu dùng vẫn không thể tìm thấy bột mì, trứng hoặc các mặt hàng chủ lực khác có nhu cầu cao. Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đã đưa ra lời trấn an rằng những thiếu hụt này là tạm thời. Chẳng qua, mạng lưới phân phối và sản xuất nước này chỉ không thể hoạt động đủ nhanh.

"Các bộ phận của hệ thống thực phẩm sẽ chịu sự gián đoạn tồi tệ, nhất là những bộ phận phụ thuộc vào chuỗi cung ứng sử dụng số lượng lớn người", ông Girotra của Cornell nói.

Nhà máy Smithfield ở Nam Dakota là một ví dụ rõ ràng về một liên kết dễ bị tổn thương trong chuỗi. Tự nó sản xuất 130 triệu khẩu phần thực phẩm mỗi tuần, sử dụng 3.700 người, nhiều người trong số họ làm việc chặt chẽ cùng nhau từng khâu một. Hiện nay, Smithfield cho biết họ sẽ đóng cửa cho đến khi nhận được thông báo khác, và trả lương cho công nhân của họ trong hai tuần tới.

Một số nhà sản xuất thực phẩm lớn đang đưa ra kế hoạch dự phòng. Sự vắng mặt của công nhân đã tăng lên tại một số nhà máy được điều hành bởi nhà chế biến gà Sanderson Farms có trụ sở tại Mississippi, mặc dù không ở mức độ có thể làm gián đoạn sản xuất, Mike Cockrell, Giám đốc tài chính của công ty cho biết.

An ninh lương thực của Mỹ có nguy cơ thủng lưới vì Covid-19 - Ảnh 4.

Cách đây 6 tháng, kệ hàng thực phẩm tại Mỹ luôn đầy ắp. (Ảnh: NYT).

Công ty đang cân nhắc các lựa chọn thay thế trong trường hợp một số lượng lớn công nhân của họ bị nhiễm Covid-19. Phần lớn lao động tại một nhà máy chế biến liên quan đến việc ra đóng gói gà và chia con gà sẵn cho khách hàng thành các phần ức, đùi và cánh. Trong trường hợp thiếu nhân lực, một nhân viên vẫn có thể tiếp tục đóng gói gà nhưng bỏ qua quá trình phân chia thành các phần tốn nhiều công sức.

"Bạn có thể thay đổi dây chuyền của mình và sản xuất một sản phẩm ít thân thiện với người tiêu dùng hơn, điểm lợi là bạn sử dụng ít lao động hơn. Đây không phải là một thảm họa", ông Cockrell nói.

"Tại cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ thấy một con gà nguyên con và bạn có thể mang con gà đó về nhà và tự cắt xẻ", ông nói thêm.

Trong ngành bán lẻ tạp hoá, có nhiều giải pháp để giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động bình thường. Ví dụ, UFCW đang kêu gọi các quốc gia yêu cầu người tiêu dùng đeo khẩu trang, và kêu gọi khách hàng đến cửa hàng thông minh bằng cách hạn chế chạm vào sản phẩm, sử dụng danh sách mua sắm và ít đi đến cửa hàng hơn.

Aaron Squeo, người làm việc trong bộ phận cung cấp thịt tại một siêu thị Kroger, cho biết khách hàng cần thực hành giãn cách xã hội tốt hơn. 

"Tôi đã thấy cả gia đình ra ngoài như một chuyến đi chơi xa. Không thể tiếp tục như thế này được! Chúng ta cần thực sự thay đổi cách chúng ta mua sắm. Cuộc sống của chúng ta đang bị đe dọa", ông ngán ngẫm.

chọn
Ông lớn bất động sản nghỉ dưỡng báo lãi tăng 600%
Nửa đầu năm 2024, Flamingo lãi sau thuế hơn 176 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái.