Giá heo hơi được kêu gọi giảm xuống 60.000 đồng/kg, sau 3 tuần tăng vọt lên 93.000 đồng/kg, vì sao như vậy?

Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp lớn nỗ lực đưa giá heo hơi xuống 60.000-65.000 đồng/kg nhưng đến nay, giá vọt lên 93.000 đồng/kg. Chuyên gia cho rằng Chính phủ rất khó can thiệp được vấn đề thị trường, chỉ có cách làm hài hòa cung cầu, tức muốn giảm giá, nguồn cung phải tăng lên.

Nếu tiếp tục đà tăng những ngày qua, rất có thể giá heo hơi sẽ quay lại mốc lịch sử 100.000 đồng/kg hồi cuối tháng 12/2019. 

Giá heo hơi tăng không ngừng suốt tuần, sắp lập lại đỉnh 100.000 đồng/kg?

Trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP, Japfa, Dabaco… đã giảm giá heo hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg từ đầu tháng 4 như cam kết với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp thì giá giá heo trên thị trường lại tăng vọt những ngày qua.

Trong những ngày tháng 3, giá heo hơi trên cả nước được thương lái thu mua lình xình quanh mức 80.000 đồng/kg, và bắt đầu sang tuần thứ hai của tháng 4, giá đã tăng từng ngày và hiện một số tỉnh thành đang có giá vượt mức 90.000 đồng/kg.

Chính phủ kêu gọi giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, đến nay lại tăng vọt lên 93.000 đồng/kg, bao giờ mới giảm? - Ảnh 1.

Giá heo hơi tăng không ngừng từ tuần thứ hai của tháng 4 đến nay. (Ảnh: Thanh Niên).

Đến hôm nay, 17/4, giá heo hơi tiếp tục tăng mạnh, với mức tăng nhiều nơi ở mức 5.000-7.000 đồng/kg so với ngày hôm trước, thậm chí có tỉnh tăng đến 15.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá heo hơi miền Bắc hôm nay dao động trong khoảng từ 88.000-92.000 đồng/kg. Thái Bình đang là quán quân về tỉnh đang giữ giá heo hơi cao nhất những ngày qua, với 92.000 đồng/kg.  Hà Nội cũng lên đến 90.000-91.000 đồng/kg. Trong khi đó, thị trường đang chứng kiến sự bứt phá của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Chỉ sau một đêm, giá heo hơi một vài tỉnh tăng 5.000-7.000 đồng/kg. Thậm chí Bình Thuận tăng đến 15.000 đồng, vượt mặt các tỉnh phía Bắc, lên đến 93.000 đồng/kg. 

Từ đầu năm, giá heo hơi khu vực miền Trung ít biến động và luôn ở vùng 80.000 đồng/kg. Nhưng từ hôm nay đã quanh mức 86.000-89.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá cũng đã lên 80.000-86.000 đồng/kg. 

Chính phủ kêu gọi giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, đến nay lại tăng vọt lên 93.000 đồng/kg, bao giờ mới giảm? - Ảnh 2.

Giá heo hơi đang nhích về mức lịch sử 100.000 đồng/kg. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đáng chú ý, nhìn vào biểu đồ giá heo hơi từ đầu tháng 4 đến nay, tức thời điểm các doanh nghiệp lớn đưa giá heo hơi xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg thì đến nay, giá thương lái thu mua lại tăng thêm 13.000 đồng mỗi kg.

Trong ngắn hạn, đầu tuần này, giá heo hơi cao nhất cả nước ngót nghét ở vùng 85.000 đồng/kg, nhưg chỉ sau vài ngày, giá đã tiếp tục leo thang và chính thức chạm mốc 93.000 đồng/kg, tăng thêm gần 10.000 đồng/kg sau 5 ngày.

Nếu cứ tiếp tục đà tăng rất có thể giá heo hơi trên thị trường sẽ quay lại mốc lịch sử 100.000 đồng/kg như những ngày cuối tháng 12/2019.

"Giá là vấn đề của thị trường, Chính phủ rất khó can thiệp, chỉ có cách làm hài hòa thị trường"

Dù nhận định dịch tả heo châu Phi đã lắng xuống, với tỉ lệ 99% các địa phương không tái dịch và không quá thiếu về nguồn cung, tuy nhiên, thời gian qua giá heo hơi vẫn neo giữ ở mức cao. Đó là lí do Chính phủ, Bộ Nông nghiệp đã tổ chức một loạt hội nghị yêu cầu giảm giá heo hơi.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt heo luôn ở mức cao. Nguyên nhân do nguồn cung thấp hơn cầu. Bên cạnh đó, còn do tâm lí tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch Covid-19.

Cơ quan này nhận định có hiện tượng găm hàng, tích trữ heo hơi để đẩy giá lên cao; cơ cấu trong giá thịt heo còn bất hợp lí khi chi phí trung gian chiếm hết 40-45%. 

Chính phủ kêu gọi giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, đến nay lại tăng vọt lên 93.000 đồng/kg, bao giờ mới giảm? - Ảnh 3.

Trước việc giá thịt heo tăng cao, các siêu thị đã vào cuộc và thường xuyên đưa ra chương trình giảm giá. (Ảnh: Phúc Minh).

Chính phủ đã yêu cầu phải giảm giá thịt heo ở mức hợp lí, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Thậm chí, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các Bộ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Công Thương thực hiện các giải pháp để giảm giá heo hơi.

Nhưng cùng với hàng loạt giải pháp đưa ra là giá heo hơi cứ liên tục tăng mạnh. Từ ngày 1/4, có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đồng hành giảm giá heo hơi về 70.000 đồng/kg, và theo lộ trình cam kết sẽ tiếp tục giảm về mức 60.000-65.000 đồng/kg trong quý II-III năm nay. 

Tuy nhiên, theo nhiều thương lái, lượng heo họ mua được từ doanh nghiệp không  đáp ứng nhu cầu nên phải mua gom ngoài thị trường giá cao.  Các tiêu thương bán lẻ tại chợ Biên Hòa cũng cho biết chỉ lấy được thịt heo giá giảm của CP đáp ứng 30-40% nhu cầu bán hàng ngày. Chính vì vậy mà giá heo hơi trên thị trường vẫn liên tục tăng và đang có xu hướng nhích về mức lịch sử 100.000 đồng/kg.

Nhận định về giá heo đang được dư luận quan tâm hiện nay, chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng nhắc đến câu chuyện lan truyền những ngày qua: "Muốn mua thịt heo rẻ thì lên TV mà mua".

Chuyên gia cho rằng Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp đã rất nỗ lực để kêu gọi giảm giá heo hơi. Đây không phải là vấn đề mới, bởi Chính phủ đã nhiều lần lên tiếng ngay từ đầu năm nay. Ông Đoàn Đình Hoàng cho biết chính giá heo hơi đã tác động mạnh đến chỉ số CPI 3 tháng đầu năm.

Bình quân quý I/2020, CPI tăng 5,56% so với cùng kì năm 2019. Đây là mức tăng bình quân quý I cao nhất giai đoạn 2016-2020. Riêng giá thịt heo tăng 58,81% so với cùng kì năm 2019 khiến cho CPI chung 3 tháng đầu năm tăng  đến 2,47%.

Chính phủ kêu gọi giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, đến nay lại tăng vọt lên 93.000 đồng/kg, bao giờ mới giảm? - Ảnh 4.

Chuyên gia cho rằng người tiêu dùng đang phải chi quá nhiều tiền để thanh toán cho mỗi kg thịt heo vì thương lái "ăn dày". (Ảnh: Phúc Minh).

"Trong lúc đi dạy về kinh tế nông nghiệp, tôi thường nói các nhà quản lí từ trung ương đến địa phương, dù rất muốn muốn nhưng không kiểm soát được giá. Chúng ta muốn giá thấp xuống cho người tiêu dùng có lợi hoặc ngược lại nhưng đây là bài toán trong nền kinh tế thị trường, về cung cầu", ông Đoàn Đình Hoàng nói.

Chuyên gia cho rằng Chính phủ rất khó can thiệp được vấn đề này, chỉ có cách làm hài hòa vấn đề của cung cầu. Ông nhấn mạnh thêm là cung cầu cũng có độ trễ. Tức muốn giảm giá, nguồn cung bắt buộc tăng lên, nhưng phải ít nhất 4-5 tháng sau, heo tái đàn mới có thể xuất chuồng để làm tăng nguồn cung. 

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thì cho rằng vai trò và trách nhiệm chính  trong việc giá heo hơi kêu mãi không xuống thuộc về Bộ Công Thương quản lí về giá cả, và Bộ Nông nghiệp liên quan nguồn cung trên thị trường.

Theo ông, giá thịt heo đến tay người tiêu dùng tăng quá cao, thậm chí chiếm hơn một nửa giá xuất chuồng do qua một loạt khâu trung gian. Người tiêu dùng có được thịt heo trong bữa ăn phải chi trả thêm rất nhiều tiền. Điều này cho thấy, việc kiểm soát các khâu trung gian trong bình ổn giá vẫn còn nhiều bất cập.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo, nhưng việc tổ chức thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương chưa mang lại kết quả như kì vọng. Ông đề nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa từ các đơn vị liên quan, mà còn phải có sự chung tay từ các doanh nghiệp chăn nuôi để vừa đảm bảo kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo đời sống người dân trong tình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.