Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra hôm nay, 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải sớm giảm giá thịt heo, bình ổn giá gạo và tiếp tục giảm giá điện, giá nước và một số mặt hàng khác để kiềm chế lạm phát dưới mưc 4% trong năm nay.
Vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thảo luận sâu là giá thịt heo những ngày qua lại tiếp tục có xu hướng tăng.
Giải thích về điều này, Bộ Nông nghiệp cho biết tốc độ tái đàn chậm là một trong những nguyên nhân giá thịt heo tăng thời gian qua. Nhưng dự kiến tổng sản lượng heo hơi xuất chuồng cả năm 2020 sẽ tương đương năm 2018. Đến quý III, IV sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt heo.
Bộ Công Thương thì cho rằng giá bán lẻ thịt heo thành phẩm phụ thuộc vào giá heo hơi. Giá heo hơi càng cao, giá bán lẻ thịt heo cũng tăng cao theo tỉ lệ tương ứng.
Theo cập nhật của Bộ Công Thương, giá heo hơi giai đoạn đầu tháng 4/2020 ở mức 73.000-78.000 đồng/kg, giá thịt heo thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 130.000-150.000 đồng/kg. Hiện giá heo hơi leo lên 80.000-90.000 đồng/kg, thì giá thịt heo bán lẻ tại chợ phổ biến ở mức 145.000-165.000 đồng/kg.
Tổng cục Thống kê cho biết chi phí trung gian trong giá thành thịt heo hiện nay còn ở mức rất cao, chiếm đến 70-90%. Chi phí trung gian hiện tại so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi khoảng 23.000- 28.000 đồng/kg.
Do đó, cần rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt heo trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải quản lí Nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả, theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nếu tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Do đó, phải làm tốt hai mặt, vừa tăng trưởng tốt, vừa giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Thủ tướng, giá heo hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là quá đáng. Ông đặt vấn đề bao nhiêu người dân chăn nuôi thực sự có hưởng lợi ở mức giá này, hay chỉ một bộ phận được hưởng. Bộ Nông nghiệp, Công Thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt heo, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu.
Nhắc đến chi phí khâu trung gian còn rất lớn, Thủ tướng yêu cầu phải làm sao bảo đảm hài hoà lợi ích của các khâu chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lí theo quy định pháp luật.
Đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt heo trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt heo cả trước mắt và lâu dài. Cần tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt heo.
Thủ tướng nhấn mạnh phải sớm giảm giá thịt heo về mức trên dưới 60.000 đồng/kg.
Đối với vấn đề đưa thịt heo vào danh mục hàng hoá dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành nghiên cứu kĩ, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng, có đề án cụ thể báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Qua báo cáo của các Bộ ngành, Thủ tướng nêu rõ năm nay, có thể hoàn toàn kiểm soát được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, bên cạnh giảm giá heo xuống trên dưới mức 60.000 đồng/kg, phải bình ổn giá gạo, giảm giá điện, nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch Covid-19.
Về mặt hàng gạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là xuất khẩu có kiểm soát, để bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lí nghiêm sai phạm.
Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương, Tài chính theo dõi sát diễn biến giá thế giới, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.
Các Bộ Y tế, Giáo dục, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng phải có biện pháp cụ thể giảm giá các loại vật tư, thiết bị y tế, sách giáo khoa, giá dịch vụ vận tải, bình ổn giá vật liệu xây dựng, các loại hàng hoá thiết yếu để vừa góp phần giảm khó khăn đời sống, vừa giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về giảm giá nước sạch theo thẩm quyền.
Về lộ trình tăng lương từ 1/7 và điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế, giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cùng Bộ Giáo dục, Y tế nghiên cứu, đánh giá kĩ lưỡng các tác động để báo cáo.
"Tinh thần là chỉ được tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá, vào thời điểm thích hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành giá", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Tài chính được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng sản phẩm, từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4%. Tuyệt đối không có tư tưởng chủ quan, nắm chắc diễn biến giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo, nhất là những mặt hàng quan trọng.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020